Trung Quốc: Thạc sĩ bị chế giễu vì lái xe ôm

GD&TĐ - Là Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế quốc tế tại Trường Đại học Tôn Trung Sơn, Trung Quốc, anh Du Yang, 38 tuổi, mở lớp dạy thêm tiếng Anh cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học.

Du Yang chạy xe ôm sau khi trung tâm tiếng Anh đóng cửa.
Du Yang chạy xe ôm sau khi trung tâm tiếng Anh đóng cửa.

Tuy nhiên, do lệnh cấm dạy thêm, Du quyết định chuyển sang chạy xe ôm toàn thời gian.

Câu chuyện thạc sĩ làm tài xế công nghệ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc. Nhiều người khen ngợi Du là người tích cực, biết vượt lên hoàn cảnh, song số khác chế giễu anh đang lãng phí bằng cấp.

Du tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh tại Trường ĐH Khoa học và Nghệ thuật Hồ Nam, Trung Quốc. Sau đó, anh học Thạc sĩ ngành Luật Kinh tế quốc tế tại Trường ĐH Tôn Trung Sơn.

Sau khi ra trường, Du làm việc tại một nhà xuất bản tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, nhưng vẫn đi dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học, THCS khi rảnh rỗi. Năm 2017, anh quyết định nghỉ việc và mở trung tâm dạy thêm tiếng Anh. Mỗi năm, lớp học của anh thu về khoảng 400 nghìn nhân dân tệ (khoảng 63 nghìn USD).

Lệnh cấm dạy thêm của Trung Quốc vào tháng 8 khiến trung tâm của Du phải đóng cửa, anh trở thành người thất nghiệp. Anh tình cờ nảy ra ý tưởng lái xe công nghệ khi đón con trai tan học. Một phụ huynh tưởng Du là tái xế nên hỏi anh có nhận chở khách hay không.

Lúc đầu, Du khá bất ngờ và từ chối lời đề nghị này. Nhưng khi về nhà, anh cho rằng ý tưởng chạy xe ôm kiếm sống khá mới lạ nên quyết định thử.

Du bày tỏ: “Dù sao công việc này cũng tốt hơn là ở nhà. Tôi nghĩ mình có thể thử. Đây có thể là trải nghiệm mới trong đời tôi”.

Sau đó, anh thuê một chiếc xe máy, mua 2 chiếc mũ bảo hiểm để đi làm. Sau một tuần làm việc, anh nhận ra công việc này không kiếm được nhiều tiền.

Anh cho biết: “Tôi có thể kiếm được hàng chục nhân dân tệ một ngày khi đã quen việc nhưng nếu vắng khách, tôi chỉ có một vài đồng. Tôi không kỳ vọng kiếm được nhiều tiền từ việc chạy xe ôm. Đây chỉ là công việc trong giai đoạn này của tôi”.

Du cũng tâm sự nhiều người thân trong gia đình của anh không hài lòng với việc chạy xe công nghệ. Mẹ của anh, vốn là người coi trọng địa vị xã hội, đã yêu cầu con trai dừng chạy xe ôm vì cảm thấy “bị sỉ nhục”. Con trai anh cũng không muốn bố tiếp tục làm việc sau khi các bạn trong lớp bàn tán.

Tuy nhiên, Du cho rằng, công việc này không sỉ nhục ai hết. Một người có kiến thức có thể làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào. Anh sẽ tiếp tục trải nghiệm công việc chạy xe công nghệ để tăng thêm trải nghiệm sống.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Du sẽ chuyển sang dạy thêm tiếng Anh cho người trưởng thành. Hiện, anh đang sáng tạo các video ngắn hướng dẫn mọi người học tiếng Anh.

“Tôi chạy xe công nghệ không chỉ phục vụ hành khách, mà còn tìm tòi những địa điểm thú vị tại thành phố mình đang sống. Những nơi này sẽ là nguồn cảm hứng trong các video dạy học tiếng Anh của tôi”, Du hào hứng chia sẻ.

Đầu tháng 10, Du đã chia sẻ lên mạng xã hội Trung Quốc video đọc bài thơ nói về vẻ đẹp của thành phố Trường Sa bằng tiếng Anh. Video nhận được hơn 70 nghìn lượt yêu thích trên mạng xã hội Douyin.

Nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, song Du chia sẻ không cảm thấy áp lực vì từng tốt nghiệp đại học danh tiếng nhưng lại chạy xe ôm.

“Nếu đủ giỏi, bạn không cần quan tâm đến những bình luận của mọi người. Tôi luôn tin vào một câu danh ngôn rằng: Cuộc sống của bạn sẽ không ngừng tốt hơn, tốt hơn nữa nếu bạn chịu khó đọc sách và tìm hiểu”, Du cho hay.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.