Vì thiếu dinh dưỡng, hầu hết các bé đều thấp còi. Từ thực trạng này, chính quyền trung ương quyết tâm khởi xướng một chương trình hỗ trợ chưa từng có: Cho học sinh ăn uống miễn phí ở trường cả 1 thập niên.
Chiến dịch “nuôi học sinh 10 năm”
Đô An là huyện tự trị thuộc tỉnh Quảng Tây, có diện tích 4.092 km² và dân số khoảng 726.000 người. Đây là một trong các huyện thuộc diện vùng sâu, vùng xa và nghèo đói nhất Trung Quốc.
Một thập kỷ trước, bữa trưa tại Trường Longfu (một trường tiểu học ở Đô An) chỉ bao gồm cơm trắng và đậu tương hấp chín. So với các trường khác trong nước, học sinh tại đây thấp bé, nhẹ cân hơn.
Thực tế bữa ăn thiếu dinh dưỡng ở Longfu cũng là tình trạng chung ở các vùng nông thôn nghèo khó trên khắp Trung Quốc. Thập niên 2000, Trung Quốc vẫn có khoảng 750 triệu người thuộc diện nghèo. Đa phần họ tập trung tại các vùng nông thôn, miền núi.
Vào năm 2011, Trung Quốc quyết tâm cải thiện thể chất của trẻ em nông thôn. Họ khởi động chương trình “nuôi học sinh 10 năm”, cung cấp bữa ăn trưa đầy đủ dưỡng chất và hoàn toàn miễn phí cho các trường học thuộc khu vực nghèo đói.
Tính đến tháng 5/2020, Trung Quốc đã chi tổng cộng 147,2 tỷ nhân dân tệ cho “bữa ăn học đường”. Họ hỗ trợ cho tất cả các trường thuộc 1.762 huyện nghèo trong 29 tỉnh, cung cấp bữa trưa cho 40 triệu học sinh.
“Nhờ chương trình này, tình trạng thể chất của trẻ em nông thôn được cải thiện đáng kể”, Lu Mai – Phó Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc (China Development Research Foundation - CDRF) tự hào. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (Chinese Center for Disease Control and Prevention), tính từ năm 2012 – 2019, chiều cao trung bình của học sinh nữ đã tăng 1,69cm và chiều cao trung bình của học sinh nam tăng 1,54cm.
Kết quả ngoài mong đợi
Mỗi sáng thứ 2 tại Đô An, 20 xe đông lạnh chở 4 tấn thịt, 8 tấn rau quả, 10,8 tấn gạo lại chia nhau đưa lương thực, thực phẩm đến 300 ngôi trường. Chúng đủ để cho 300 trường học này cung cấp bữa trưa cho 80.000 học sinh/tuần.
“Em thích ăn cơm ở trường hơn ở nhà”, Ajian – học sinh lớp 5 trường Longfu vui vẻ nói chuyện. “Cơm ở trường vừa có đủ thịt, rau, vừa không bị giới hạn, muốn ăn bao nhiêu cũng được”.
Theo báo cáo từ CDRF, 10 năm trước, cứ trong 100 học sinh nông thôn thì có 12 em thuộc diện thấp còi. Chênh lệch chiều cao trung bình giữa trẻ em nông thôn và thành thị là 6cm.
Trong chương trình “nuôi học sinh 10 năm”, Đô An được chính phủ cấp 500 triệu tệ (gần 1.780 tỷ đồng). Họ đã dùng 96 triệu tệ (khoảng 340 tỷ đồng) để xây dựng các nhà ăn và các trường tự bỏ tiền ra 70 triệu tệ (gần 250 tỷ đồng) thuê nhân viên căng-tin.
Tháng 11/2020, Đô An thoát diện huyện nghèo. Song, dù kinh tế địa phương đã phát triển, nhiều gia đình nông thôn vẫn còn túng thiếu. Với họ, bữa trưa miễn phí cho con em tại trường vẫn là một sự giúp đỡ to lớn.
Khó khăn quản lý và duy trì
Năm 2017, nhà giám sát Tang Yi được điều tới phòng giáo dục huyện Đô An, phụ trách quản lý nguồn cung cấp thực phẩm học đường. Ông nhận thấy, trong khoảng từ năm 2011 – 2017, số liệu kiểm toán có nhiều sai phạm, phát hiện hàng loạt hành vi gian lận và biển thủ.
Trước đó 1 năm, tờ Giáo dục Thường nhật (China Education Daily) của Trung Quốc cũng tiết lộ một số căng-tin trường học ở Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc cung cấp thức ăn không đạt tiêu chuẩn cho học sinh.
Kể từ năm 2019, Đô An tiến hành đấu thầu thực phẩm học đường công khai, xác minh rõ ràng từ chất lượng đến chỉ tiêu, thống nhất tuyến mua sắm và phân phối. Nhờ vậy, họ giải quyết triệt để vấn đề gian trá.
Có điều gần đây, chi phí thực phẩm các loại đều gia tăng. Nếu so sánh năm 2021 với 2012, giá trứng, gạo tăng gấp 3, giá thịt lợn còn tăng gấp gần 4 lần. Trong khi đó, khoản hỗ trợ tính trên từng bữa cho học sinh của chính phủ từ năm 2014 vẫn giữ nguyên mức 4 tệ/em (tương đương 14.000 đồng).
Bên cạnh đó, chi phí điện nước tăng, lương nhân viên căng-tin cũng lên. Năm 2020, Đô An phải tự chi 7,3 triệu tệ (khoảng 26 tỷ đồng) để đáp ứng việc duy trì số lượng nhân viên căng-tin cần thiết.
Đầu năm 2021, Trung Quốc phấn khởi công bố đã giải quyết triệt để vấn đề nghèo đói. Trên cả nước, quốc gia này đã gần như không còn người phải sống dưới mức 1,9 USD/ngày (tương đương 44.000 đồng) như tiêu chuẩn xét nghèo của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc còn vươn lên thứ nhì thế giới với tổng GDP lên tới 14,86 nghìn tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ (20,81 nghìn tỷ USD)
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới có 2 tiêu chí xét nghèo, phân loại dựa trên GDP trung bình toàn cầu. Với tổng GDP cao thứ 2 quốc tế, Trung Quốc thuộc diện nước giàu và chỉ tiêu xét nghèo nâng lên 5,5 USD/ngày (tương đương 127.000 đồng). Với chỉ tiêu này, Trung Quốc hiện vẫn còn khoảng 600 triệu người nghèo. 75,6% họ sống tại các khu vực nông thôn, miền núi, khiến tỷ lệ người nghèo ở đây bị đẩy lên tới 78%.
Nói cách khác, trẻ em nông thôn, miền núi Trung Quốc vẫn cần bữa ăn học đường. CDRF đề xuất tăng trợ cấp bình quân lên 5 tệ/em/bữa (tương đương 18.000 đồng), bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục chương trình “nuôi học sinh 10 năm” ngay trong năm học mới này.