Trung Quốc: Nữ sinh nông thôn chịu nhiều rào cản

GD&TĐ - Nữ sinh nông thôn Trung Quốc gặp bất lợi rất lớn suốt từ bậc phổ thông cho tới đại học. Hỗ trợ tiền học thôi chưa đủ mà cần có biện pháp tư vấn hỗ trợ cuộc sống thường nhật cho nữ sinh viên nông thôn…

Trung Quốc: Nữ sinh nông thôn chịu nhiều rào cản

Trông chờ hỗ trợ

Wang Xianglan 13 tuổi vào năm 2008 – khi mẹ tự sát để lại chồng và 5 con nhỏ sống tại một làng quê tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc.

“Trước đó, cháu có một gia đình hạnh phúc” – Wang kể - “Cháu chưa bao giờ nghĩ những chuyện tồi tệ sẽ xảy đến. Nhưng khi mẹ cháu tự sát, mọi thứ thay đổi”. Chị gái của Wang bỏ học ngay lập tức và là con thứ hai, Wang lo sợ cũng sẽ phải nghỉ học.

Trường học miễn phí cho mọi trẻ em Trung Quốc lên tới lớp 9 nhưng việc học hành bị ràng buộc bởi những trách nhiệm khác, bao gồm cả việc trồng trọt, chăn nuôi hoặc trông em.

Bởi vì Wang có tư chất thông minh, gia đình quyết định cho học tiếp THCS và THPT. Cô bé sau đó được trao một suất tại ĐH Ngoại ngữ Thiên Tân, cách xa nhà 1.500 km.

“Gia đình cháu rất vui mừng. Cháu là nữ sinh đầu tiên trong làng được vào đại học” – Wang nhớ lại – “Nhưng chi phí quá lớn và cha cháu cố tìm mọi cách vay mượn. Cháu đã nghĩ có lẽ phải ở nhà để hỗ trợ nuôi các em”.

Thầy chủ nhiệm của Wang sau đó khuyên cha Wang tìm tới một tổ chức nhân đạo có thể giúp đỡ. Năm 2013, gia đình Wang gửi đơn xin trợ giúp từ Tổ chức Giáo dục nữ sinh nông thôn Trung Quốc (EGRC) và với nguồn tài chính hỗ trợ này, Wang đang học năm cuối đại học với đích nhắm một công việc trong lĩnh vực quản lí nhân sự.

Từ năm 2005, EGRC đã hỗ trợ 692 nữ sinh để đạt tỉ lệ tốt nghiệp đại học 100%. Tổ chức này cấp 7.000 tệ (khoảng 1.000 USD)/ nữ sinh cho học phí và sinh hoạt phí. EGRC cùng cấp học bổng THPT – học phí THPT có thể tới 6.000 tệ (870 USD)/ học sinh – khoản tiền quá sức với nhiều gia đình.

Tiền thôi chưa đủ

Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư lớn cho giáo dục nông thôn, chi hơn 6 tỉ tệ (870 triệu USD) kể từ năm 2010 để cải thiện trường học nông thôn, trong đó có nhiều thiết bị giáo dục tiên tiến.

Nhưng thậm chí cho dù nếu được được bảo đảm tài chính – con đường vào đại học vẫn vô cùng khó khăn. Nhiều em đối mặt với phân biệt đối xử - cả ở chính sách “hạn ngạch” theo khu vực mà cho phép các trường đại học giới hạn số lượng chỉ tiêu cho các tỉnh nông thôn – lẫn bất bình đẳng giới.

“Tôi nghĩ không quá khi nói rằng mức độ cạnh tranh cho nữ sinh ở khu vực nông thôn cao hơn 50 lần so với khu vực đô thị” – Ye Liu, giảng viên Trường King’s College, London, nhận xét – “Nữ sinh đến từ nông thôn phải nỗ lực phi thường mới vào những trường đại học tốp đầu”.

Cho dù đã thi được vào, nữ sinh nông thôn vẫn bị bạn học phân biệt đối xử. “Những nữ sinh viên này đến từ những khu vực nghèo nhất Trung Quốc và đột nhiên “hạ cánh” xuống thành phố lớn” - Ching Tien phân tích – “Các em thậm chí không biết sang đường, sử dụng toilet, sử dụng máy tính. Và bạn gái ngồi cạnh có thể là con một triệu phú. Làm sao những nữ sinh nông thôn không cảm thấy tự ti?”.

Khoảng cách giáo dục giữa trẻ nông thôn và thành thị tại Trung Quốc đang tăng lên và hiện chỉ 40% học sinh học xong THCS ở nông thôn học tiếp lên THPT. Chuyên gia kinh tế Niny Khor, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, ước tính, khoảng cách GD thành thị - nông thôn ở Trung Quốc là khoảng 3 năm học. Trong số những học sinh nghỉ học này, 2/3 là gái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ