Trung Quốc: Nỗ lực ngăn chặn học sinh nghiện Internet

GD&TĐ - Từ ngày 1/2, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo cấm học sinh phổ thông sử dụng điện thoại di động trong trường học.

Học sinh Trung Quốc phải giao nộp điện thoại trước giờ học.
Học sinh Trung Quốc phải giao nộp điện thoại trước giờ học.

Quyết định trên nhằm ngăn chặn “chứng nghiện Internet, trò chơi điện tử” và giúp học sinh tập trung vào việc học.

Học sinh có thể mang điện thoại đến trường trong trường hợp bất khả kháng như gia đình có nguyện vọng, nhà trường phê duyệt qua văn bản. Tuy nhiên, các thiết bị vẫn không được phép sử dụng trong giờ học.

Bộ Giáo dục đánh giá, bên cạnh vấn đề học tập, chỉ thị này giúp bảo vệ thị lực của học sinh, tăng cường phát triển thể chất và tâm lý cho các em.

Báo cáo năm 2019 của Trung tâm Thông tin mạng Trung Quốc cho thấy, 175 triệu người dùng Internet là dưới 18 tuổi, trong đó 74% sở hữu thiết bị di động cá nhân. Theo khảo sát, nhóm này chủ yếu dùng điện thoại di động để học trực tuyến, nghe nhạc và chơi trò chơi điện tử.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục ban hành lệnh cấm giáo viên giao bài tập về nhà qua điện thoại di động hoặc cho phép học sinh làm bài qua điện thoại. Dù thực tế phương pháp giảng dạy này đã trở nên phổ biến trong những năm gầy đấy. Trường phổ thông các cấp sẽ phải lắp đặt nhiều bốt điện thoại công cộng, trao đổi với phụ huynh mà không dựa vào thiết bị di động.

Việc sử dụng điện thoại thông minh tại các trường học đã gây tranh cãi mạnh mẽ tại Trung Quốc trong những năm gần đây vì gia tăng lo ngại giới trẻ nghiện thiết bị điện tử. Tuy nhiên, Liu Yanping, Hiệu trưởng Trường Quốc khánh Bắc Kinh, cho rằng không nên cấm đoán trẻ sử dụng thiết bị điện tử trong kỷ nguyên công nghệ số. Bà Yanping lập luận rằng lệnh cấm có thể phù hợp với học sinh tiểu học vì các em chưa có tính tự giác. Nhưng học sinh trung học nên được phép cùng cha mẹ tiếp cận với thiết bị di động và công nghệ.

Bà Yanping cho biết: “Để giải quyết vấn đề thị lực và chứng nghiện trò chơi điện tử, chính phủ nên giảm bớt gánh nặng học tập để học sinh có nhiều thời gian tập thể dục. Điện thoại thông minh không phải công cụ để đổ lỗi”.

Đồng tình với quan điểm của bà Yanping, Wu Hong, nhà nghiên cứu tại tổ chức giáo dục Dett, trụ sở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, cho rằng không thực tế khi cấm học sinh dùng điện thoại di động.

“Thay vì cấm đoán, các trường nên dành nhiều thời gian để cải thiện khả năng tự quản lý của trẻ bằng cách dạy các em phân biệt tốt – xấu, thế giới thực - ảo”, ông Hong bày tỏ.

Tuy nhiên, thông báo mới của Bộ Giáo dục cũng được nhiều người dân ủng hộ. Khảo sát của trang mạng xã hội thecover.cn cho thấy, 54% trong số 1.900 người được hỏi tin rằng học sinh không nhất thiết phải mang điện thoại di động đến trường. Khoảng 25% muốn chính sách thay đổi linh hoạt hơn và 20% cho rằng học sinh nên được dùng điện thoại trong khuôn viên trường.

Về việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận không chỉ ở Trung Quốc. Năm 2018, Pháp đã thông qua luật cấm trẻ em dưới 15 tuổi sử dụng điện thoại di động trong khuôn viên trường học. Hy Lạp cũng cấm sử dụng điện thoại di động tại mẫu giáo, tiểu học và THCS.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.