Trung Quốc: Nhộn nhịp thị trường dạy 'chui'

GD&TĐ -Sau một năm thực hiện chính sách “giảm kép”, việc dạy thêm, học thêm tại Trung Quốc vẫn còn nguyên sức nóng. Dù các trung tâm hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào, giá cả đắt đỏ ra sao, phụ huynh nước này vẫn thi nhau đăng ký vì tương lai của con cái.

Ngành công nghiệp dạy thêm tại Trung Quốc mang lại giá trị hàng trăm tỷ USD.
Ngành công nghiệp dạy thêm tại Trung Quốc mang lại giá trị hàng trăm tỷ USD.

Dày đặc lịch học thêm... chui

Mùa hè này, Mingyu - sống tại Bắc Kinh - bận rộn hơn bao giờ hết. Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, lịch nghỉ lễ của cậu bé 12 tuổi này dày đặc các lớp học thêm gồm một lớp tiếng Anh, Vật lý, hai lớp Toán và các khóa học nâng cao ở ba trung tâm dạy thêm khác. Điểm khác biệt so với mọi năm, tất cả lớp học năm nay đều trái luật.

Tròn một năm từ khi thực hiện chính sách “giảm kép” ở Trung Quốc - chiến dịch quy mô lớn nhằm loại bỏ áp lực học tập và thi cử cho học sinh phổ thông. Theo đó, chính phủ cấm các trường giao bài tập về nhà quá nhiều và quá khó; đồng thời, cấm dạy thêm vào cuối tuần, ngày lễ hay hình thức gia sư.

Trước khi chính sách này có hiệu lực, học phí của các trung tâm dạy thêm tư nhân tương đối đắt đỏ. Trung bình, 30 phút học thêm có giá 100 nhân dân tệ (khoảng 350 nghìn đồng). Các trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm, được định giá hàng trăm tỷ USD, trở thành một ngành công nghiệp dạy thêm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tất cả sụp đổ chỉ vì lệnh cấm. Chính sách “giảm kép” đã giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp dạy thêm từng được định giá 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 310 tỷ USD) của đất nước. Hiện nay, các trung tâm dạy thêm phải sa thải nhân viên, đóng cửa hàng loạt chi nhánh, thậm chí rơi vào phá sản gây thiệt hại tài chính quy mô lớn.

Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng chính sách sẽ giảm bớt áp lực cho trẻ nhỏ và thúc đẩy bình đẳng xã hội. Nhưng thực tế diễn ra trái ngược với những kỳ vọng này. Không muốn chịu cảnh phá sản và biến mất, nhiều trung tâm đã ngầm chống lại chính sách.

Một cuộc điều tra của Sixth Tone phát hiện thị trường dạy thêm chợ đen khổng lồ xuất hiện sau lệnh cấm. Những trung tâm hoạt động bất hợp pháp chủ yếu phục vụ các gia đình giàu có, quan hệ rộng rãi; từ đó, giúp trẻ em thuộc tầng lớp trung, thượng lưu vươn lên trong học tập.

Trong quý II/2022, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tiến hành điều tra 140 nghìn trung tâm dạy thêm trên toàn quốc và phát hiện gần 3 nghìn trung tâm dạy thêm bất hợp pháp. Gần 500 trung tâm vẫn tiếp tục hoạt động sau khi tuyên bố đóng cửa các cơ sở kinh doanh.

Câu chuyện của cậu bé Mingyu là một ví dụ điển hình. Bố mẹ của nam sinh đều làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Bắc Kinh. Gia đình đã cố gắng gửi em đến các trung tâm dạy thêm hoạt động chui bất chấp lệnh cấm. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để tăng khả năng cạnh tranh cho con trai trong hệ thống giáo dục khốc liệt.

Trong trường hợp của gia đình Mingyu, việc “lách luật” vô cùng đơn giản. Phần lớn trung tâm học thêm của Mingyu chưa từng đóng cửa. Trong khi các trung tâm quy mô lớn như New Oriental, TAL Education buộc phải thu hẹp quy mô, nhiều trung tâm nhỏ hơn đã “lọt lưới” do ít bị chú ý.

Ngoài ra, chị Tao, mẹ của Mingyu, đã bàn bạc với hai phụ huynh khác để cùng gửi con đến các lớp gia sư môn Tiếng Anh, Tiếng Trung và luyện thi Olympic Toán. Những trung tâm quy mô nhỏ hoặc lớp gia sư thường không quảng bá công khai dịch vụ mà dựa trên sự giới thiệu, kết nối trong mạng lưới phụ huynh.

Học sinh Trung Quốc vẫn học thêm bất chấp lệnh cấm.

Học sinh Trung Quốc vẫn học thêm bất chấp lệnh cấm.

Những khoản chi tăng cao

PGS Hua-Yu Sebastian Cherng phân tích: Chính sách “giảm kép” ảnh hưởng chủ yếu đến các gia đình trung lưu, thượng lưu nên họ sẽ tìm mọi cách để lách luật. Vốn có sẵn nguồn lực và kiến thức, tầng lớp này thông hiểu mọi hoạt động bí mật ở Trung Quốc và sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì lợi ích của con cái.

Việc tổ chức dạy thêm bất hợp pháp được cho là đáp ứng nhu cầu học thêm của phụ huynh Trung Quốc vì họ không hài lòng với chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông. Trong cuộc khảo sát tháng 6/2022 của tờ báo China Yotuh Daily, 62% phụ huynh cho rằng các trường học cần cải thiện chất lượng đào tạo.

Phụ huynh Wu Xiaoxiao, sống tại Bắc Kinh, cũng đang tìm cách giúp con cải thiện chất lượng học trên trường. Khi trung tâm dạy thêm tiếng Anh của con gái chị Wu đóng cửa vào năm ngoái, bà mẹ đã bàn bạc với hai gia đình khác tìm giải pháp thay thế. Họ nhanh chóng tìm được một gia sư tiếng Anh người nước ngoài chấp nhận dạy thêm một kèm ba.

Gia đình chị Wu ở quận Haidian nằm ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, nơi nổi tiếng với sự cạnh tranh khốc liệt cho giáo dục. Dù mới 7 tuổi, con gái Wu đã sở hữu kết quả học tập bứt phá so với bạn bè. Mùa hè năm nay, cô bé vẫn theo học hai lớp tiếng Anh, một lớp tiếng Trung, các lớp học Toán và một số bộ môn nghệ thuật như hội họa, múa ba lê, khoa học máy tính và bơi lội.

Sự tồn tại của thị trường chợ đen có nguy cơ phá hoại nghiêm trọng chính sách “giảm kép”. Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về hệ thống giáo dục Trung Quốc, PGS Hua-Yu

Sebastian Cherng, làm việc tại Trường Đại học New York, Mỹ, nhận định ngành Giáo dục Trung Quốc, giống như nhiều quốc gia khác, sẽ gặp khó khăn để loại bỏ những góc khuất này.

Một trong những mục tiêu của chính sách “giảm kép” là ngăn chặn phụ huynh chi những khoản tiền khổng lồ vào việc học tập của con cái. Trái ngược với kỳ vọng của chính phủ, chính sách “giảm kép” khiến phụ huynh phải trả nhiều tiền hơn cho các lớp học thêm. Mức giá phải chăng trên thị trường đã biến mất, nhường chỗ cho những lớp học quy mô nhỏ với giá thành đắt đỏ.

Đơn cử, trước lệnh cấm, chị Wu chi hơn 20 nghìn nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 68 triệu đồng) cho các lớp học tiếng Anh. Hiện tại, phụ huynh này phải trả gấp đôi số tiền cho dịch vụ gia sư một kèm ba. Ước tính, tiền học thêm của con gái chị Wu tiêu tốn 10 nghìn nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 34 triệu đồng).

Mức chi tiêu này vẫn nằm trong khả năng của vợ chồng chị Wu bởi cả hai đều có công việc tốt. Thu nhập hàng năm của họ là hơn một triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng). Nhưng nhiều gia đình không may mắn như vậy. Trung bình các cặp vợ chồng ở Bắc Kinh có thu nhập hàng năm chỉ bằng 1/4 gia đình chị Wu.

GS Cherng nhận định: “Giá học thêm hiện nay vô cùng đắt đỏ. Ngay cả những gia đình trung lưu khá cũng không thể ứng phó. Khi chính sách “giảm kép” được ban hành, chính phủ cần thêm những quy định sâu rộng để đảm bảo không “tiếp tay” cho giới thượng lưu”.

Dù không lo lắng về chi phí các lớp học, chị Wu vẫn bày tỏ quan ngại lịch trình học thêm dày đặc sẽ khiến con gái căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng bà mẹ không còn lựa chọn nào khác bởi nhiều bạn bè cùng lớp với con gái chị cũng học thêm suốt mùa hè. Wu không muốn con gái bị tụt lại phía sau.

“Đôi khi tôi thắc mắc tại sao phụ huynh tại Bắc Kinh và Thượng Hải phải chạy theo việc học tập của con cái một cách điên cuồng như vậy. Nhưng đó là bầu không khí chung ở thành phố lớn, tôi cảm thấy bản thân bị ép phải đăng ký cho con cái học thêm. Tôi không hài lòng nhưng buộc phải làm vậy”, chị Wu tâm sự.

Nỗi lo nhân lên gấp bội

Học sinh Trung Quốc ngồi chờ tại một trung tâm dạy thêm.

Học sinh Trung Quốc ngồi chờ tại một trung tâm dạy thêm.

Còn với những phụ huynh không thể “lách luật”, nỗi lo còn nhân lên gấp bội. Con gái chị Fan, sống tại Thượng Hải, từng theo học hai lớp tiếng Anh và một lớp Toán trước khi có lệnh cấm. Hiện nay, các trung tâm đã ngừng dạy trực tiếp và chỉ cung cấp bài giảng trực tuyến được ghi sẵn.

Chị Fan cho biết: “Nhiều trung tâm dừng hoạt động nhưng không hoàn lại tiền cho tôi. May mắn thay, tôi không đặt cọc quá nhiều nên so với nhiều phụ huynh khác, khoản lỗ của tôi là không đáng kể”.

Từng là người khá thoải mái trong việc học tập của con gái, nhưng hiện nay, chị Fan ngày càng lo lắng, căng thẳng. Con gái chị Fan học được rất ít từ các bài giảng trực tuyến và điểm số của em bắt đầu tụt dốc. Dù bà mẹ đã dành nhiều thời gian hướng dẫn con, hiệu quả không thể bằng các lớp học thêm.

Chị Fan rất muốn tìm trung tâm “ngầm” nhưng điều đó nói dễ hơn làm. Các trung tâm dạy thêm hoạt động chui thường không quảng cáo hay tiết lộ thông tin tràn lan vì sợ bị chính quyền phát hiện. Còn những phụ huynh trong trường rất kín tiếng.

Thái độ trên hiện rất phổ biến. Nhiều phụ huynh thừa nhận họ muốn giữ bí mật về các lớp dạy thêm ngầm. Một số người lo lắng người khác có thể tố cáo với chính quyền khiến trung tâm đóng cửa, con cái không còn nơi gửi gắm. Còn số khác không muốn những đứa trẻ khác được học thêm để cạnh tranh với con cái mình.

GS Cherng nhận định, tâm lý này là “tác dụng phụ” của chính sách “giảm kép”. Trong khi đẩy phụ huynh trung lưu vào thế khó, những gia đình thượng lưu lại tìm được lối thoát từ chính lệnh cấm. Còn các trung tâm đang tìm cách lách luật.

Tháng 6 vừa qua, hàng trăm phụ huynh Thượng Hải thi nhau tải ứng dụng Think Academy sau khi nghe tin tổ chức này sẽ luyện thi Olympic Toán trong kỳ nghỉ hè. Theo giáo viên của Think Academy, tổ chức này đã đăng ký tại nước ngoài nên không vi phạm các quy định của Trung Quốc.

Giá sử dụng ứng dụng tính bằng tiền tệ Singapore (khoảng 660 SGD, tương đương 11 triệu đồng) với nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Tuy nhiên, hầu hết giáo viên đều là người từng làm cho trung tâm dạy thêm TAL Education.

Think Academy đang chơi một trò chơi mạo hiểm. Từng có một công ty hoạt động tương tự nhưng chỉ sau hai ngày đã bị chính quyền địa phương đóng cửa với lý do ứng dụng “tạo ra sự hiểu lầm rằng hoạt động kinh doanh dạy thêm tư nhân đang phục hồi”.

Nhưng phụ huynh không bao giờ do dự đăng ký. Họ sẵn sàng chuyển tiền sau khi nghe thông tin về một trung tâm dạy thêm bí mật hoạt động. Nhiều người cảm nhận các trung tâm dạy thêm đang âm thầm quay trở lại nhưng cả giáo viên lẫn phụ huynh vẫn còn rất thận trọng.

“Chúng tôi không biết mình có thể đi bao xa. Chính sách vẫn được giữ nguyên. Các nhà chức trách có thể thắt chặt quản lý bất cứ lúc nào và điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt các lớp. Dạy thêm vẫn là một công việc kinh doanh đầy bất trắc”, một gia sư dạy thêm “chui” chia sẻ.

Theo Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ