Ngăn ngừa sinh viên thi hộ
Theo kế hoạch tuyển sinh đại học 2017 của Bộ Giáo dục, sẽ có khoảng 3,72 triệu (trong hơn 9 triệu thí sinh) may mắn trúng tuyển vào các trường đại học, nhiều hơn gần 10.000 người so với năm 2016. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh vào các trường đại học hàng đầu vẫn hết sức khốc liệt.
Những năm gần đây cho thấy, nhiều thí sinh đã tìm đến các hình thức gian lận thi cử khi cảm thấy đây là cách duy nhất có thể giúp vượt qua cửa ải vào đại học. Gian lận thi cử tinh vi đã phá hỏng sự công bằng của cuộc thi – vốn được coi là sân chơi bình đẳng.
Về phía cơ quan chức năng cũng liên tục “nâng cấp” các biện pháp đối phó nạn gian lận thi cử. Tại tỉnh Sơn Đông, Đông Trung Quốc, nơi cạnh tranh thi đại học nổi tiếng khốc liệt, cơ quan giáo dục địa phương đã yêu cầu sinh viên đại học không được xin nghỉ học trong giai đoạn diễn ra kì thi tuyển sinh đại học, trừ trường hợp đặc biệt, để ngăn họ đi thi hộ.
“Những sinh viên nghỉ học không có lí do hợp lệ phải bị điều tra. Các quy định nghiêm ngặt hơn cần được tuân thủ khi cho phép nghỉ học” – thông báo của Sở Giáo dục nêu rõ. Zhang Zhiyong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục, cho biết quyết định này nhằm loại bỏ những mầm mống có thể dẫn tới gian lận.
Lo lắng bao trùm
Cảnh sát tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, nơi có nhiều thí sinh dự thi nhất với hơn 860.000 người, đã bắt 16 người tình nghi điều hành dịch vụ liên quan tới gian lận thi cử. Cảnh sát đã tịch thu nhiều thiết bị gồm máy phát sóng, điện thoại di động và máy tính xách tay.
Tại Bắc Kinh, nơi có hơn 60.000 thí sinh dự thi, nhà chức trách địa phương tăng cường quản lí đề thi. Đề thi được chuyển tới 92 địa điểm thi trong thành phố dưới sự hộ tống của cảnh sát. Xe vận chuyển được giám sát bằng hệ thống định vị GPS và camera giám sát.
Nhiều phụ huynh lộ rõ sự căng thẳng và lo lắng. Tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, mẹ của một thí sinh cho biết đã dậy từ 4 giờ sáng để nấu bữa sáng có món cá chép cho con. Theo truyền thuyết thì cá chép vượt vũ môn hoá rồng – và tích này được sử dụng như phép ẩn dụ trong thành công học tập và sự nghiệp. “Tôi chọn cá chép để mong con mình “vọt qua” trong kì thi” – bà mẹ chia sẻ với tâm trạng lo âu bên ngoài trường thi.
Năm nay đánh dấu 40 năm nối lại kì thi Gaokao sau khi bị gián đoạn bởi Cách mạng Văn hoá (1966 – 1976).
Trong những năm gần đây, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đã lựa chọn du học nước ngoài. Tuy nhiên, đại đa số học sinh và phụ huynh Trung Quốc vẫn coi Gaokao là cách công bằng cho các trường đại học Trung Quốc tuyển chọn sinh viên và đây là cuộc thi không thể chấp nhận thua.