Từ quê ra phố vẫn được học trường công
Cô bé 8 tuổi Huang Xiaoru vô cùng hạnh phúc khi đoạt giải tại một cuộc thi vẽ tranh ở Trường Tiểu học Wanxiu (Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị Quảng Tây phía Nam Trung Quốc). Cô bé theo cha mẹ nhập cư lên thành phố đã thực sự cảm thấy ngôi trường này không còn là “lãnh địa” riêng của trẻ thành phố.
2/3 trong tổng số 1.703 học sinh trong trường là con lao động nhập cư. “Lớp tôi có 54 học sinh, 44 em trong đó là những trẻ nhập cư như Huang” - giáo viên chủ nhiệm Chen Jinling cho biết - “Vì hầu hết phụ huynh bận rộn, trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá cho học sinh”.
Thay vì để con lại quê cho ông bà trông nom, ngày càng nhiều lao động nhập cư Trung Quốc đưa con theo ra thành phố để chăm sóc và có được giáo dục tốt hơn cho chúng.
Trung Quốc có khoảng 14 triệu trẻ em sống cùng với bố mẹ nhập cư tại các thành phố và 9 triệu “trẻ bị bỏ lại sau” - vẫn ở lại nông thôn. Giáo dục cho con cái là mối quan tâm lớn của lao động nhập cư, những người đã đóng góp quan trọng cho quá trình đô thị hoá nhanh của nước này.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các trường công lập thành thị đơn giản hoá thủ tục và tiếp nhận tối đa trong khả năng có thể đối tượng trẻ nhập cư để bảo đảm giáo dục phổ cập - cấp tiểu học và THCS.
Mở rộng hơn cánh cửa trường công
“10 năm trước, tôi không thể xin cho con gái lớn vào trường công bởi chúng tôi chỉ có hộ khẩu nông thôn” - Tang Haiyan, nữ lao động nhập cư tại Nam Ninh nhớ lại. Mọi việc giờ đã dễ dàng hơn. Con gái thứ hai của Tang học tại một trường tiểu học công trong thành phố.
“Phụ huynh chỉ cần có hộ khẩu hợp pháp, giấy tạm trú và công việc là có thể tiếp nhận con họ” - Lei Youheng, Hiệu trưởng một trường tiểu ở Nam Ninh, cho biết.
Tại Nam Ninh, số trẻ con lao động nhập cư học tại các trường công đã tăng từ 113.000 năm 2012 lên 136.000 năm 2016, chiếm lần lượt 53% và 62% tổng số trẻ nhập cư. Số trẻ nhập cư còn lại phải học trường tư.
Cơ hội học trường công của trẻ nhập cư có sự khác biệt lớn giữa các tỉnh. Tại tỉnh Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc, chính quyền cho biết 90% con lao động nhập cư được học trường công.
Một nghiên cứu về giáo dục nông thôn do Đại học Nhân dân Đông Bắc, tỉnh Cát Lâm, thực hiện tháng 12 năm ngoái cho thấy con lao động nhập cư tại các thành phố đạt 13,7 triệu trong năm 2015, tăng 8,4% so với năm 2011. Khoảng 84% được học trường công.
Ngân sách trung ương cấp ngân sách giáo dục phổ cập thành thị - nông thôn 117 tỉ nhân dân tệ (17,2 tỉ USD), tăng 67,4% so với năm 2016 - theo số liệu Bộ Giáo dục công bố đầu tháng 5. Hàng triệu trẻ là con lao động nhập cư tại các thành phố được hưởng lợi từ nguồn kinh phí này, trẻ được cấp SGK miễn phí, miễn học phí, trợ cấp sinh hoạt cũng được cấp cho học sinh nội trú có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Chính quyền các địa phương cũng thực hiện những chính sách tương tự bảo đảm giáo dục phổ cập cho con cái lao động nhập cư. Hồi tháng 4, Sở Giáo dục tỉnh Hà Nam ban hành công văn yêu cầu bảo đảm chất lượng phổ cập GD cho con cái lao động nhập cư, yêu cầu đơn giản hoá thủ tục tuyển sinh.