Học sinh trên thế giới ăn gì vào bữa trưa?

GD&TĐ - Trên khắp thế giới, trẻ em thưởng thức các món ăn khác nhau vào bữa trưa. Hãy cùng khám phá bữa ăn trưa của học sinh tại một số quốc gia:

Một bữa trưa của học sinh Pháp.
Một bữa trưa của học sinh Pháp.

Nhật Bản

Bữa trưa ở trường học Nhật Bản được gọi là: “shokuiku”, có nghĩa là “giáo dục thực phẩm và dinh dưỡng”. Bữa trưa tại trường học là một phần quan trọng trong giáo dục tại quốc gia này.

Nhật Bản được biết đến là đất nước ưu tiên bữa trưa ở trường. Nếu cha mẹ không thể trả trước 2,50 USD chi phí bữa ăn, trẻ sẽ được hỗ trợ bởi các chương trình bữa trưa miễn phí hoặc giảm giá.

Ở Nhật Bản, bữa trưa thường được nấu trong trường. Sau đó, món ăn sẽ được mang vào lớp học. Thông thường, các học sinh sẽ thay phiên nhau phân chia thức ăn cho các bạn cùng lớp.

Bữa trưa của học sinh Nhật Bản thường bao gồm súp, cơm hoặc mì, cá và rau. Sau đó, trẻ sẽ được ăn tráng miệng như trái cây hoặc bánh pudding và sữa. Khi ăn trưa xong, các học sinh cùng giúp dọn dẹp lớp học.
 
Pháp

Thông thường, thực đơn ăn trưa của học sinh Pháp được quản lý nhà ăn xây dựng trước 2 tháng và gửi đến chuyên gia dinh dưỡng thẩm định. Chuyên gia có thể đề xuất thêm, bớt món ăn để cân bằng lượng tinh bột, đường, đạm và chất xơ trong mỗi suất ăn. Ví dụ, vào thứ hai, trẻ ăn salad dưa chuột và cà chua, thịt bê ướp nấm cùng bông cải xanh, bánh mì phô mai và tráng miệng với bánh tart táo.

Hầu hết, thực phẩm đều là đồ tươi, được chế biến trong ngày và không có đồ đông lạnh. Bữa ăn ở trường thường có ít nhất một món hữu cơ và trẻ chỉ được phép uống nước lọc thay vì sữa hoặc nước hoa quả. Đặc biệt, mỗi tháng, trẻ sẽ có một bữa ăn được chế biến hoàn toàn từ thực phẩm hữu cơ.

Bữa trưa điển hình ở trường là salad rau củ, thịt om hoặc nướng, bánh mì ăn kèm phô mai và món tráng miệng. Món tráng miệng được thay đổi linh hoạt nhằm cân bằng dinh dưỡng với món chính.
 
Hàn Quốc

Các trường học ở Hàn Quốc rất chú trọng vấn đề dinh dưỡng của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Thực đơn mỗi ngày đều khác nhau, được sắp xếp hợp lý để đảm bảo trẻ có đủ dinh dưỡng, năng lượng học tập. 

Theo văn hóa ăn uống của Hàn Quốc, phần canh được đặt bên phải và cơm bên trái. Một suất đầy đủ có cơm, món mặn, canh, đồ ăn kèm và món tráng miệng. Đôi khi, món cơm sẽ được đổi thành mì tương đen hoặc mì nước. Một số trường khác bổ sung món ăn phương Tây vào thực đơn, nhưng món chính vẫn mang đặc trưng Hàn Quốc.

Học sinh và giáo viên Hàn Quốc sẽ cùng ăn cơm và có khẩu phần giống nhau. Khay đựng đồ ăn của các trường được đồng bộ, nhằm xóa bỏ khoảng cách thế hệ và sự phân biệt giàu nghèo trong môi trường sư phạm.
 
Phần Lan

Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới phục vụ bữa trưa miễn phí trong trường học từ năm 1948. Các bữa ăn trường học ở quốc gia Bắc Âu này phải chứa tất cả thành phần cân bằng dinh dưỡng theo chỉ dẫn của Hội đồng Dinh dưỡng quốc gia.

Vào năm 2008, Hội đồng này đã phê duyệt các khuyến nghị về dinh dưỡng dành cho trường học bao gồm những yêu cầu cụ thể về muối, chất xơ, chất béo và tinh bột.

Bên cạnh đó, trường học phải tuân thủ tiêu chí khác cho các bữa ăn nhẹ. Dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn phải bằng 1/3 lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể mỗi ngày của từng đứa trẻ. Nó phải đa dạng màu sắc, đầy hương vị và cân bằng dinh dưỡng.

Ở căng tin, các em tự lấy khay và phục vụ bữa trưa cho bản thân. Các học sinh lớn có thể giúp học sinh bé hơn lấy thức ăn với gợi ý về thực đơn lành mạnh. Bữa trưa trường học ở Phần Lan thường bao gồm một bữa đồ nóng và một món tráng miệng.

Bữa ăn miễn phí ban đầu mới chỉ là puuro (cháo hạt lúa mì xay), súp khoai tây, nhưng từ những năm 1950 trở đi đã có thêm: Cơm, cháo tấm, súp đậu, thịt, phomat, bánh mì và một số thực phẩm khác. 

Ngày nay, bữa ăn được tăng thêm về chất và luôn đảm bảo nóng. Ở một số khu vực, thực đơn của bữa ăn được thông tin trên báo địa phương để phụ huynh được biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.