Để có được thành tích này, trong thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã hoạch định nhiều chính sách cải cách giáo dục đại học, thu hút sinh viên quốc tế.
Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành điểm đến du học hàng đầu thế giới. Trở lại năm 1978, chỉ hơn 1.200 sinh viên quốc tế theo học tại quốc gia này. Đến năm 2009, con số này tăng lên gần 240.00 em và tăng gấp đôi lên hơn 490.000 vào năm 2018.
Năm 2010 được đánh giá là năm bước ngoặt đối với lĩnh vực giáo dục đại học tại Trung Quốc khi quốc gia này xác định đại học phải hướng đến toàn cầu. Du học Trung Quốc dần được xây dựng trở thành thương hiệu giáo dục mang tính quốc tế.
Các chính sách của Nhà nước tập trung vào việc cải tiến luật pháp, hành chính và tài chính để tạo điều kiện cho du học sinh. Đồng thời, Trung Quốc tăng cường tài trợ nhiều loại học bổng như quốc gia, địa phương, chính phủ, doanh nghiệp và phân bổ trợ cấp cho sinh viên quốc tế.
Năm 2013, chính phủ Trung Quốc ban hành “Sách kiến Vành đai và Con đường”, đưa giáo dục đại học ra quốc tế. Nằm trong dự án là chương trình học bổng Con đường Tơ Lụa, tài trợ cho 10.000 sinh viên quốc tế mỗi năm. Các trường đại học có thể xin quỹ hỗ trợ của Nhà nước để duy trì kinh phí đào tạo, phát triển nhóm sinh viên này.
Trong những năm 2017 - 2018, giấc mơ đưa du học Trung Quốc vào danh sách hàng đầu thế giới đã thành hiện thực. Đến năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đạt kỷ lục khi nhận được đăng ký nhập học từ 500.000 du học sinh.
Không chỉ tập trung mở rộng chỉ tiêu, cải tiến chất lượng cũng là chính sách quan trọng được chính phủ và ngành giáo dục Trung Quốc lưu tâm. Năm 2017, chính phủ đã ban hành quy định về tuyển sinh và đào tạo sinh viên quốc tế trong các trường ĐH, CĐ.
Trong đó, các trường phải hoàn thành 4 nhiệm vụ gồm phát triển quy tắc trường học; đánh giá nghiêm túc cơ chế tuyển sinh, học bổng; lập kế hoạch giảng dạy, phát triển nguồn nhân lực có hệ thống; xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng.
Sau đó một năm, Trung Quốc tiếp tục ban hành Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, trong đó chất lượng đào tạo sinh viên quốc tế rất được chú trọng. Dần dần, bằng cử nhân đại học tại Trung Quốc được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.
Các trường đại học tìm cách dung hoà các nhóm gồm sinh viên địa phương, sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài. Họ hướng tới bốn nhiệm vụ chính là trẻ hóa quốc gia; mở rộng phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng trên toàn cầu; nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ứng viên quốc tế.
Tuy đạt nhiều thành tích ấn tượng, các trường ĐH, CĐ tại Trung Quốc chịu áp lực phải cạnh tranh liên tục, thường xuyên với các cơ sở giáo dục quốc tế tại Anh, Mỹ, Australia. Trở ngại lớn nhất của các trường Trung Quốc so với quốc tế là ngôn ngữ.
Trong khi Anh, Mỹ, Australia giảng dạy và đào tạo bằng tiếng Anh, ngôn ngữ chung của thế giới, sinh viên theo học tại Trung Quốc hầu hết phải học tiếng Trung. Nếu không các em sẽ theo học các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng ngành học không thể đa dạng bằng các quốc gia khác.
Sinh viên người Trung Quốc cũng bày tỏ không hài lòng khi sinh viên nước ngoài được “miễn” Gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học được đánh giá là khốc liệt nhất thế giới.
Thậm chí, các em còn được trao học bổng, có hình thức ứng tuyển đại học linh hoạt hơn sinh viên trong nước. Cũng vì thế, việc giúp sinh viên trong và ngoài nước hoà nhập là thách thức lớn cho các trường đại học xứ tỷ dân.