Trung Quốc kiềm chế “cuộc tranh đua giáo dục”

GD&TĐ - Không có ở đâu, áp lực về học tập và điểm số lại cao hơn tại Trung Quốc. Các bậc phụ huynh sẵn sàng hy sinh tất cả, miễn đổi lại là thành tích xuất sắc của con em.

Trung bình, học sinh tiểu học Trung Quốc thiếu ngủ 30 phút/ngày.
Trung bình, học sinh tiểu học Trung Quốc thiếu ngủ 30 phút/ngày.

Sự thái quá này nghiêm trọng đến nỗi, chính phủ phải ra tay kiềm chế “cuộc tranh đua giáo dục”.

Truyền thống cao khảo

Cao khảo là tên gọi của kỳ tuyển sinh đầu vào đại học ở Trung Quốc. Nó khét tiếng “khó điên đảo”.

Theo lịch sử giáo dục Trung Quốc, kỳ cao khảo đầu tiên được tổ chức vào năm 1953. Vào thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa Vô sản (1966 - 1976), nó bị tạm ngưng. Năm 1977, cao khảo quay trở lại với 5,7 triệu người tham gia tuyển sinh. Kết thúc kỳ thi, chỉ có 200.000 người đậu (chiếm 5%).

“Hồi đó, chúng tôi đói khát kiến thức và cực kỳ ham học”, Liu Bingkang – 1/200.000 người đậu cao khảo năm 1977 nhớ lại. “Bất chấp các thiếu thốn về vật chất, các SV đâm đầu vào sách vở, học suốt đêm ngày. Cổng ký túc xá đóng cửa vào 11 giờ đêm, nên nhiều người thức trắng luôn trong giảng đường.

Những người đã kịp về thì bỏ ngủ, ra ngoài hành lang ngồi học (sau 11 giờ đêm, phòng ký túc xá cũng phải tắt đèn). Các nữ sinh luôn cắt tóc ngắn, để khỏi tốn công chải chuốt, dành thêm thì giờ đọc sách, làm bài tập”.

Sau khi tốt nghiệp hạng xuất sắc, Bingkang được giữ lại trường làm giảng viên. Ông tiếp tục theo đuổi học vấn, trở thành giáo sư và cống hiến toàn bộ cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. “Cao khảo đã thay đổi đời tôi”, Bingkang khẳng định.

Tính từ khi Bingkang thi đậu đến nay đã 44 năm và tiêu chí tuyển sinh cũng bớt gắt gao, nhưng cao khảo vẫn là “kỳ thi đại học khó nhất thế giới”. Nó buộc các HS Trung Quốc phải “học bạt mạng” từ… thời mẫu giáo.

Đường đua khốc liệt

Amber Jiang và “cẩm nang đưa con vào đại học” bán chạy nhất, Getting Ashore.
Amber Jiang và “cẩm nang đưa con vào đại học” bán chạy nhất, Getting Ashore.

“Là phụ huynh, chúng tôi không cần túi hàng hiệu. Chúng tôi không cần trang điểm. Chúng tôi đi dép lê. Chúng tôi chi tất cho sự nghiệp ăn học của con em”, Amber Jiang (nhà văn Trung Quốc) viết trong Đường đến đích (Getting Ashore) – Cuốn sách như “cẩm nang đưa con em vào đại học” bán chạy nhất.

Tại Trung Quốc, cạnh tranh giáo dục bắt đầu từ bậc… mẫu giáo. “Muốn vào trường tiểu học của chúng tôi, các bé phải đạt một vài tiêu chí nhất định”, hiệu trưởng của trường tiểu học “chuyên đào tạo các tinh hoa” ở Thượng Hải lên tiếng. “Đó là thuộc lòng tối thiểu 1.000 hán tự, thông thạo hai phép cộng và trừ với các số từ 1 đến 100”.

Bước chân vào lớp 1, HS Trung Quốc phải đối mặt với áp lực “khủng” từ cả phụ huynh lẫn nhà trường. Thời lượng học trên lớp kèm theo khối lượng bài tập đồ sộ cướp đi của các em thời gian vui chơi, tự do tư duy, phát hiện và phát triển sở trường.

Từ năm 2007, chính phủ Trung Quốc đã phải ra đề xuất về thời gian ngủ của HS. Họ khuyến cáo, HS tiểu học phải được ngủ 10 giờ/ngày, THCS thì 9 giờ/ngày, còn THPT 8 giờ/ngày. Dù vậy, theo báo cáo giáo dục được công bố vào tháng 12/2020, trung bình HS tiểu học chỉ được ngủ 9,5 giờ/ngày, HS THCS: 8,4 giờ/ngày.

Ngoại trừ học chính quy, HS Trung Quốc còn bị ép học thêm. Các phụ huynh không tiếc tiền thuê gia sư hay cho con em vào các lớp ngoại khóa, trại hè, trường luyện thi… Những người thiếu điều kiện tài chính thì cố gắng tiết kiệm thời gian, tự dạy kèm.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc (Chinese Society of Education), thị trường dạy thêm ở đất nước này trị giá 800 tỷ tệ (khoảng 2,8 triệu tỷ đồng). Tại các thành phố giàu có như Thượng Hải, 70% các bậc phụ huynh cho con em học thêm.

Vào ngày 25/4/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố quy định mới. Đó là cấm giao bài tập về nhà đối với HS lớp 1 và 2. Đối với HS lớp 3,4,5 cho phép giao bài tập về nhà nhưng thời gian hoàn thành không quá 60 phút và không quá 90 phút đối với HS THCS.

“Cha mẹ chỉ yêu điểm cao”

Dù là ngày nghỉ, các em vẫn phải làm bài tập 2 giờ.
 Dù là ngày nghỉ, các em vẫn phải làm bài tập 2 giờ.

Những năm gần đây, ưu tiên hàng đầu của Bộ Giáo dục Trung Quốc là… sức khỏe HS. Họ nỗ lực giảm sự cạnh tranh trong học tập, tích cực phổ cập hiểu biết về sức khỏe thể chất và tinh thần ở trẻ em, giới hạn thời gian kết thúc lớp học thêm (chỉ đến 8 giờ 30 tối) và gia sư (9 giờ tối), cấm trường luyện thi giao bài tập về nhà, cấm GV chia sẻ điểm số của HS lên trực tuyến…

Chính phủ Trung Quốc cũng cố gắng “san bằng sân chơi giáo dục”. Họ xóa sổ chính sách tuyển sinh theo tiêu chuẩn riêng của nhiều trường học, chuyển sang hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.

Bất chấp những điều này, phụ huynh Trung Quốc vẫn lao đầu vào “cuộc đua thành tích”. Họ xây dựng hồ sơ học tập cho con em từ lúc mới lên 3 tuổi, bắt ép học thêm (đặc biệt là học ngoại ngữ) và thi lấy chứng chỉ ngoại khóa. Ước tính đến năm 2022, chỉ riêng hệ thống dạy thêm tiếng Anh ở Trung Quốc cũng đã đạt trị giá 75 tỷ USD (khoảng 1,7 triệu tỷ đồng).

“Mẹ không yêu cháu”, một HS lớp 6 rơi nước mắt trả lời trong phỏng vấn của chương trình truyền hình thực tế “Tình thương khó xử (A Love for Dilemma, 2021)”. “Mẹ chỉ quan tâm nếu cháu đạt điểm cao trong kỳ thi mà thôi”.

“Nhìn con cái khổ sở vì học, tôi cũng đau lòng lắm chứ”, một phụ huynh ở Thượng Hải có con gái 7 tuổi chia sẻ. “Lắm lúc, tôi cũng muốn từ bỏ cuộc đua, để mình được thảnh thơi và con mình có tuổi thơ hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ cần nhìn vào thực tế và con cái người khác, tôi lập tức gạt phắt”.

Kết quả, mọi khổ ải đổ hết lên đầu lớp thiếu niên, nhi đồng Trung Quốc. Trung bình, các “mầm non” vẫn phải làm bài tập về nhà 1,5 giờ hàng ngày và 2 giờ vào Chủ nhật và học thêm không giới hạn.

Theo Sixthtone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.