Trung Quốc: Gần 90% HS trung học có thị lực kém

GD&TĐ - Tỷ lệ HS Trung Quốc có thị lực kém đã tăng từ 59,2% lên 70,6% trong 6 tháng qua - một cuộc khảo sát của Bộ GD tiến hành vào tháng 8 cho biết. Trong khi đó tỷ lệ thị lực kém của HS trung học là 89,3%.

HS tiểu học Trung Quốc kiểm tra thị lực.
HS tiểu học Trung Quốc kiểm tra thị lực.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gần một nửa trong số 1,4 tỷ người trên thế giới bị cận thị là ở Trung Quốc. Nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả thì đến năm 2020, số người cận thị ở Trung Quốc sẽ vượt 700 triệu, số người bị cận thị nặng sẽ từ 40 đến 51,5 triệu người.

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc đã đưa ra một thông báo xác nhận những công nghệ đầu tiên giúp ngăn ngừa và kiểm soát cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được thử nghiệm tại 182 quận và huyện trên cả nước, bao gồm các thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải và Hà Bắc.

“Điều thực sự khiến trẻ cận thị không phải là loại môn học mà là hệ thống GD và thiết bị điện tử” - một cư dân trên mạng Sina Weibo chia sẻ sau khi thông báo trên đưa ra. Bình luận này đã nhận được gần 1,2 ngàn lượt thích.

Một thành phố ở tỉnh Sơn Tây, phía Bắc Trung Quốc đã coi thị lực và cân nặng là một phần trong kết quả kiểm tra tốt nghiệp của HS trung học vào tháng 10 trong nỗ lực cải cách GD của thành phố. Nhà chức trách GD địa phương sau đó giải thích động thái này nhằm khuyến khích thanh thiếu niên tập thể dục nhiều hơn và bảo vệ thị lực cho các em.

Các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên kiểm tra thị lực 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các vấn đề nhằm kiểm soát thời gian sử dụng mắt. Hơn nữa ánh sáng xanh từ điện thoại di động và máy tính bảng có hại cho trẻ em. Khi dành quá nhiều thời gian cho điện thoại hay iPad, lâu ngày cơ mắt sẽ không được co lại, có thể gây hại gấp đôi cho mắt của trẻ và dẫn đến những tác hại không thể cứu vãn được.

Một phụ huynh họ Guo nói rằng những vấn đề như học hành quá tải, ít thời gian cho các hoạt động ngoại khóa đã khiến đứa con 5 tuổi của cô bị cận thị 100 độ. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19 khi con cô phải tham gia các lớp học trực tuyến.

Theo Globa Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ