Báo động tỷ lệ trẻ em cận thị

GD&TĐ - Nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Mắt HITEC (Hà Nội) thực hiện trên các học sinh tại Trường TH, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục cho thấy, tỷ lệ trẻ em có tật khúc xạ và các vấn đề khác ngày càng cao.

Giáo viên và đại diện phụ huynh trường lắng nghe báo cáo của Bệnh viện Mắt HITEC.
Giáo viên và đại diện phụ huynh trường lắng nghe báo cáo của Bệnh viện Mắt HITEC.

Những con số... giật mình

Ths.BS Nguyễn Văn Sanh – Giám đốc Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội, cho biết: "Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung Ương, tại Việt Nam, có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 – 15 mắc các tật khúc xạ (cận, loạn, viễn thị) phải đeo kính.

Một nghiên cứu của trường Đại học Y Hà Nội khảo sát 250 bệnh nhân từ 5 – 18 tuổi cũng cho thấy, tỉ lệ xuất hiện tật cận thị cao nhất là ở học sinh tiểu học, chiếm 55,2%".

Theo chuyên gia này, ước tính đến năm 2050, tỷ lệ cận thị trên thế giới sẽ chiếm tới 52%. Do đó, nếu không có thói quen khám mắt định kỳ để phát hiện và đưa ra kế hoạch quản lý khoa học, tật khúc xạ không chỉ đơn thuần làm suy giảm thị lực mà còn là một trong những nguy cơ hàng đầu gây khiếm thị và mù lòa.

Ths.BS Sanh nhấn mạnh, việc chăm sóc mắt, khám mắt định kỳ để phát hiện và quản lý tật khúc xạ và các bệnh mắt cho học sinh luôn là một trong những nhiệm vụ được nhà trường, gia đình và toàn xã hội quan tâm.

Nhân dịp 20 năm thành lập, Bệnh viện Mắt HITEC đã phối hợp với Trường TH, THCS và THPT Thực nghiệm, thực hiện chương trình "Tầm soát quản lý khúc xạ và chăm sóc mắt học đường năm học 2020 - 2021". Chương trình bao gồm các hoạt động: Khám tầm soát tật khúc xạ và các bệnh mắt; Lập hồ sơ quản lý, theo dõi và phát hiện các biến chứng của tật khúc xạ và chăm sóc mắt; Tư vấn lựa chọn giải pháp tối ưu trong điều trị cận thị và tật khúc xạ.

Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt HITEC, có tới 68% trên tổng số 2.833 học sinh tại Trường TH, THCS và PTTH Thực nghiệm Khoa học giáo dục gặp các tật khúc xạ và vấn đề khác về mắt. Trong khi đó, có 32% học sinh tại đây đeo kính chưa tối ưu (sai, hỏng...).

Đáng lo ngại là, báo cáo chỉ ra rằng, rất nhiều học sinh đeo kính chưa điều chỉnh tối ưu. Nguyên nhân là do kính sai số, sai tâm, bị trầy xước hoặc cong vênh.

Ngoài ra, nhiều học sinh có tật khúc xạ chưa đeo kính. Thậm chí, không ít trẻ cận một mắt mà chưa được phát hiện. Tỷ lệ học sinh cận nặng được cho là đáng kể. Bên cạnh đó, rất nhiều học sinh cần kiểm tra nhược thị, do phát hiện bất đồng khúc xạ.

Cần thay đổi nhận thức

Cô Lê Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TH, THCS và THPT Thực nghiệm khoa học giáo dục, cho biết: "Đối với học sinh, mắt học đường là một vấn đề khá lớn. Tuy nhiên, giáo viên, phụ huynh và học sinh còn coi nhẹ vấn đề này. Mục đích của nhà trường là tầm soát ban đầu, phân tích, thông báo đến phụ huynh và học sinh. Qua đó, giúp nhận thức và biết cách bảo vệ mắt của con".

Cô Lê Thị Mai Hương (phải) trao đổi về tình hình mắt của trẻ với BSCKII Bích Mận (trái).
Cô Lê Thị Mai Hương (phải) trao đổi về tình hình mắt của trẻ với BSCKII Bích Mận (trái).

Bác sĩ CKII Phạm Thị Bích Mận - Bệnh viện Mắt HITEC - chia sẻ, có khá nhiều con số thú vị sau nghiên cứu. Tuy nhiên, một trường hợp khiến nhà trường và phụ huynh rất vui đó là bé G.B - học sinh lớp 3C. Bởi, sau khi khám, số kính của con giảm đi.

Cháu đã được chỉnh và đeo kính, nhưng có khá nhiều vấn đề: Tâm kính bị lệch tới 7 li, số kính là viễn - loạn. Với kính cũ, thị lực mắt phải của Bảo được 10/10, trái 7/10. Tuy nhiên, thực tế "với thị lực này, con chủ yếu nhìn bằng mắt phải và không sử dụng tới mắt trái", bác sĩ Mận cảnh báo.

Sau khi khám sàng lọc, B đã được chỉnh kính, mắt trái chỉ còn số kính loạn (giảm bớt phần kính viễn) mà thị lực mắt trái lên 10/10, thị giác 2 mắt cân bằng, đem lại sự thoải mái cho đôi mắt.

Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, nếu phải đeo kính sai số trong thời gian dài, mắt trẻ sẽ luôn trong tình trạng "cố". Lâu dài, thị lực trẻ sẽ giảm sút. Từ đó, gây mệt mỏi, khiến trẻ chán học, thậm chí là ảnh hưởng tới kết quả học tập.

"Việc nhiều học sinh đeo kính sai số cho thấy, cha mẹ cần thường xuyên đưa con đi kiểm tra, lắng nghe xem con đeo cặp kính này có thực sự thoải mái không. Đôi khi, cha mẹ quá bận và đưa con đi tới các cửa hàng kính nhỏ để cắt kính. Nhưng thực tế, số đo khúc xạ không phải luôn phản ánh đúng tình trạng khúc xạ mắt của trẻ", bác sĩ Mận cho hay.

Trước thực trạng này, bà Thanh Tâm - đại diện ban phụ huynh khối THCS tại Trường Thực nghiệm khoa học giáo dục, chia sẻ: "Qua báo cáo, tỷ lệ học sinh gặp vấn đề về mắt khá lớn và đây là điều đáng báo động. Tôi cho rằng, nhà trường và gia đình cần lưu ý hơn, bởi vấn đề về mắt ảnh hưởng rất lớn tới học tập của trẻ".

Chia sẻ về vấn đề nhiều học sinh đeo kính sai số, bà Tâm khuyến cáo, phụ huynh nên đưa con tới khám tại các cơ sở uy tín. Bên cạnh đó, gia đình cần hạn chế để con tiếp xúc với các thiết bị công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ