Trung Quốc: Đưa thể thao mùa đông vào trường học

GD&TĐ - Kết quả thi đấu kém cỏi tại Olympic mùa đông 2018 khiến các cơ quan hữu quan Trung Quốc vội vã đề ra bản kế hoạch tham vọng. Để thực hiện bản kế hoạch này đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ nhưng cũng sẽ mang lại nhiều điều tích cực…

Trung Quốc: Đưa thể thao mùa đông vào trường học

Đưa thể thao mùa đông vào hàng nghìn trường học

Bộ Giáo dục và Tổng cục Thể thao Trung Quốc vừa đưa ra lời kêu gọi các trường tiểu học và THCS trên cả nước đưa các môn thể thao vào chương trình giáo dục.

Sau kết quả thi đấu mờ nhạt tại Olympic mùa đông năm nay tại Pyeongchang, Hàn Quốc, 2 cơ quan quản lí nói trên đã ban hành kế hoạch chung nhằm đưa thể thao mùa đông đến gần với học sinh – từ đó tuyển chọn và đào tạo vận động viên đẳng cấp thế giới.

Gou Zhongweng, Cục trưởng Tổng cục Thể thao thẳng thắn chỉ rõ, các VĐV Olympic “không chuẩn bị đủ thể lực và tinh thần” cho một số môn thi. Đặc biệt, Gou chỉ trích đoàn VĐV Trung Quốc năm nay khiếm khuyết: Tốt ở những môn thi trên băng nhưng yếu ở những môn thể thao trên tuyết. Gou cũng nói rằng, Trung Quốc thiếu các VĐV hàng đầu thế giới ở một số môn nhất định – nhưng không nêu cụ thể đó là những môn nào.

Kế hoạch tham vọng đề ra năm nay được kỳ vọng có thể thay đổi những bất cập nói trên.

Vào năm 2020, phấn đấu có hơn 2.000 trường tiểu học và THCS đưa thể thao mùa đông vào chương trình giảng dạy, theo kế hoạch. Đến năm 2025, con số trên cần tăng lên 5.000 trường.

Bắc Kinh và Hồ Bắc – những nơi diễn ra hầu hết các sự kiện thi đấu tại Olympic mùa đông 2022 – sẽ phải xây dựng 200 trường như vậy hàng năm cho đến năm 2020. Trong khi mỗi tỉnh hoặc khu tự trị khác trên cả nước cần đầu tư 10 trường thành “cơ sở kiểu mẫu cho giáo dục Olympic mùa đông và Paralympic (dành cho người khuyết tật) mùa đông”.

Nhiều trở ngại

Bên cạnh xây dựng các trường định hướng thể thao mới, kế hoạch nói trên khuyến khích các trường hiện tại ở các tỉnh phía Bắc đưa thể thao mùa đông vào chương trình. Còn các trường phía Nam, nơi hiếm khi thấy tuyết rơi, hợp tác với các sân băng địa phương (lấy ví dụ) để trẻ được chơi thể thao mùa đông.

Đây không phải là đề xướng đầu tiên của Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho Olympic mùa đông tại Bắc Kinh. Tháng 11/2016, Tổng cục Thể thao, cùng với 23 cơ quan liên kết với chính phủ khác, ban hành kế hoạch quốc gia quảng bá thể thao mùa đông không chỉ trong trẻ em mà tới mọi người. Mục tiêu là có khoảng 300 triệu người – chiếm 1/4 dân số - tham gia thể thao mùa đông.

Nhưng kế hoạch năm 2016 chưa mang lại trái ngọt, ít nhất là ở đấu trường quốc tế. Tại Olympic mùa đông 2018, Trung Quốc kết thúc với vị trí thứ 14 trong 30 quốc gia giành huy chương – và chỉ có một Huy chương Vàng duy nhất.

Cao Jihong, giảng viên Đại học Thể thao Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh Đông Bắc Trung Quốc, quan ngại kế hoạch mới đòi hỏi sự đáp ứng kinh tế. “Xây các sân băng nhân tạo hoặc khu trượt tuyết có thể ngốn rất nhiều tiền” – nữ giảng viên nói – “Cộng với phí bảo trì sẽ tăng tốn phí gấp bộn”.

Tuy vậy, Cao Jihong cũng ghi nhận mặt tích cực của bản kế hoạch tham vọng này. “Quảng bá (thể thao mùa đông) không chỉ cải thiện thể chất thanh thiếu niên mà cũng lan toả các giá trị tốt đẹp của Olympic như thi đấu công bằng, tự hào quốc gia, hiểu biết đa văn hoá” – Cao nhận xét.

Theo số liệu Bộ Giáo dục công bố tháng 7/2017, Trung Quốc có 177.000 trường tiểu học và 521.000 trường THCS tính đến cuối năm 2016 – nhưng lần lượt chỉ 75% và 85% trong số đó đáp ứng chuẩn quốc gia về khu vực giáo dục giải trí.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...