Mở rộng cánh cửa trường chính thống
Hiện tại, chỉ một tỉ lệ nhỏ trẻ khuyết tật được học trong trường chính thống, theo Wang Ming, giảng viên Trường quản lí và chính sách công thuộc Đại học Thanh Hoa, thành viên Hội đồng tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc.
Wang dẫn kết quả nghiên cứu 2.400 phụ huynh tại 7 thành phố tại Trung Quốc do Hiệp hội quốc gia phụ huynh có con mắc bệnh tâm thần - thực hiện năm ngoái - cho thấy hơn 1 trong 4 trẻ em có nhu cầu GD chuyên biệt, tuổi từ 6 - 15, bị loại khỏi các trường học chính thống.
Luật Phổ cập giáo dục của Trung Quốc hiện nay quy định chính quyền từ cấp quận, huyện trở lên xây trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Wang gợi ý rằng quy định cần có sự thay đổi để chính quyền các cấp đều có trách nhiệm hỗ trợ trẻ khuyết tật vào học các trường chính thống và học chương trình tương tự như những trẻ em bình thường khác.
Để đáp ứng được, theo Wang, các trường cần phải có “phòng học thích hợp và giáo viên được đào tạo chuyên biệt”. Những rào cản khác là không gian hoạt động thiết kế riêng cho trẻ khuyết tật, nhà vệ sinh cho trẻ khuyết tật, cũng như sự phản đối môi trường GD hoà nhập từ phụ huynh có con lành lặn.
Trong đó “vấn đề lớn nhất là thiếu giáo viên được đào tạo đặc thù” - Wang chỉ rõ - “Ví dụ tại Quảng Châu có gần 2.000 trẻ khuyết tật trong các trường chính thống, tỉ lệ học sinh/giáo viên là 36/1”.
Wang gợi ý nên đưa các phương pháp giáo dục hòa nhập thành một phần trong chương trình đào tạo sư phạm và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên đang giảng dạy về chủ đề này.
Lợi ích cho cả trẻ không khuyết tật
Một bà mẹ Thượng Hải có tên Bao, hiện có con 5 tuổi khuyết tật, hoan nghênh đề xuất của Wang. “Giáo dục hòa nhập như vậy sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong việc bảo đảm cho một nhóm nhỏ trẻ em được trang bị kĩ năng tồn tại trong xã hội chính thống và sống độc lập” - cô Bao nhận xét.
Zhu Shanping, giáo viên Trường Ngoại ngữ Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, cho rằng giáo dục hòa nhập cũng có lợi cho cả những trẻ lành lặn. “Nó mang lại sự hiểu biết về bình đẳng và đón nhận khi tương tác với nhóm nhỏ trẻ khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày” - Zhu nói.
Những đề xuất mới về hòa nhập GD trẻ khuyết tật được kỳ vọng nhận ủng hộ của xã hội nhằm mang tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật tại Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc Lỗ Dũng trong báo cáo tại Hội nghị Công tác sự nghiệp Người khuyết tật Trung Quốc lần thứ 5 diễn ra tại Bắc Kinh cuối năm 2016 nêu rõ, trong thời gian “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12”, Trung Quốc cũng đã giành được tiến bộ nổi bật về giáo dục người khuyết tật.
Tỉ lệ nhập học giai đoạn giáo dục phổ cập của trẻ em người khuyết tật trong độ tuổi đi học nâng cao từng năm, giáo dục giai đoạn trung học phổ thông và giáo dục hướng nghiệp của người khuyết tật được thúc đẩy vững chắc. Thí sinh người khuyết tật được tạo thuận lợi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng toàn quốc.