Trung Quốc đang trải qua thời kỳ bùng nổ giáo dục

GD&TĐ - Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra vào tháng 10/2017, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh vai trò của giáo dục là động lực cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Những con số là minh chứng cho định hướng chính sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trung Quốc đang trải qua thời kỳ bùng nổ giáo dục

Chuyển đổi sang “xã hội sáng tạo”

Ông Tập gợi ý rằng giáo dục cần đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi kinh tế - xã hội đất nước, nâng hình ảnh và sức mạnh mềm của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Những mục tiêu này dự kiến sẽ đạt được vào năm 2049, trong khi theo Bộ trưởng Giáo dục thì dựa vào những con số thống kê cho thấy, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực này những năm qua.

Bắc Kinh hiện đang trải qua một trong những thay đổi lớn nhất về giáo dục trong lịch sử đương đại quốc tế.

Các trường đại học Trung Quốc đã tăng từ 1.022 năm 2001 lên 2.824 trong năm 2014 và hiện đào tạo khoảng 37 triệu sinh viên - đội quân sinh viên lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/5 sinh viên trên thế giới. Đỉnh cao của sự bùng nổ này là giai đoạn Trung Quốc xây dựng trung bình 1 trường đại học mới mỗi tuần.

Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tăng mạnh hơn số cử nhân này nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đất nước thành “một xã hội sáng tạo” vào năm 2020, theo Kế hoạch trung - dài hạn Phát triển Khoa học và Công nghệ. Bắc Kinh cũng hướng tới mục tiêu có ít nhất 40 trường đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này.

Củng cố sức mạnh mềm

Tham vọng và đầu tư cho giáo dục đại học đang tạo sức hút với sinh viên quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao, có hơn 440.000 sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc năm 2016, so với chỉ 55.000 năm 2006, và con số này đang tiếp tục tăng.

Một nửa sinh viên đến từ các quốc gia nằm trên sáng kiến “Vành đai và Con đường” (“Vành đai” là tuyến thương mại bắt đầu từ Tây An tới khu vực phía Tây Trung Quốc, qua các quốc gia Trung Á tới châu Âu. “Con đường” là tuyến giao thương hàng hải đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, xuyên Ấn Độ Dương tới châu Phi, qua Địa Trung Hải trước khi kết thúc ở châu Âu).

Qua đó củng cố sức mạnh mềm của Bắc Kinh vươn tới châu Âu khi đội quân sinh viên tu nghiệp tại Trung Quốc trở về quê hương mang dấu ấn tư tưởng Trung Quốc.

Trong khi đó trào lưu “Tây du” vẫn tiếp tục tại Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều du học sinh hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Theo UNESCO, hơn 801.000 sinh viên Trung Quốc đang du học nước ngoài.

Mặc dù có những lo ngại gần đây về việc cử nhân mới không trở về Trung Quốc do các lí do như khó hoà nhập môi trường kinh tế trong nước, không đáp ứng kì vọng về lương, tăng cạnh tranh - thì số du học sinh dự kiến vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới. Đối với nhiều dân Trung Quốc, giáo dục phương Tây vẫn là sự bảo đảm cho cạnh tranh việc làm.

Bên cạnh kết quả ấn tượng về giáo dục, Trung Quốc vẫn tồn tại những vấn đề lớn. Mặc dù tăng mạnh chất lượng giáo dục khi một số cơ sở đào tạo đại học đạt tầm trung và thậm chí đẳng cấp thế giới - thì hệ thống quan liêu vẫn còn dai dẳng. Điều này đòi hỏi nỗ lực nhiều để có thể thay đổi tư duy quản lí, cải cách chương trình và giảm đánh giá tuyển sinh dựa vào điểm số…

Theo một tổ chức nghiên cứu kinh tế thế giới, Trung Quốc sẽ có số cử nhân lớn nhất về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán) trên thế giới năm 2016; 40% cử nhân Trung Quốc trong năm 2013 đã nhận bằng ở lĩnh vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tiếp thêm sức mạnh

GD&TĐ - Hôm nay, 7/5, triệu triệu trái tim của người dân cả nước đều hướng về Điện Biên...