Trung Quốc: Con kiện mẹ cha đòi lại tiền mừng tuổi

GD&TĐ - Tại châu Á, các quốc gia đón Tết âm lịch có chung một truyền thống: Tặng tiền mừng tuổi cho mọi người. Vào đầu xuân năm 2018, các trang xã hội Trung Quốc phát sốt vì một vụ kiện không ngờ nhất.

Pháp luật Trung Quốc công nhận, tiền lì xì là tài sản cá nhân và quyền sở hữu của trẻ con.
Pháp luật Trung Quốc công nhận, tiền lì xì là tài sản cá nhân và quyền sở hữu của trẻ con.

Đó là con gái tố cáo cha mẹ “nẫng tay trên” 58.000 nhân dân tệ (khoảng 207 triệu đồng) tiền lì xì.

Chỉ có ở Trung Quốc

Tên của cô con gái kiện cha mẹ “biển thủ” tiền lì xì này là Juan, SV đại học tỉnh Vân Nam. Cô khởi kiện cha mẹ từ năm 2016, vì hai bậc phụ mẫu ngừng chu cấp học phí cho mình.

Theo Juan, cha mẹ cô đã lấy toàn bộ tiền mừng tuổi trong suốt nhiều năm. Người Trung Quốc có phong tục tặng hồng bao chứa tiền mặt cho trẻ con vào dịp Tết Nguyên đán, để mừng thêm một tuổi và cầu phước lành. Trước khi vào đại học, Juan cũng như những đứa trẻ khác, được người lớn tặng hồng bao mỗi dịp năm mới.

Tuy nhiên, cha mẹ Juan không cho phép cô giữ hay tiêu số tiền mừng tuổi. Họ “tịch thu” hết, sử dụng như tiền riêng. Khi Juan lên đại học, cha và mẹ li hôn. Cả hai người đều thoái thác nghĩa vụ chu cấp tài chính cho Juan ăn học, khiến cô bức xúc, đòi lại khoản tiền lì xì vốn là của mình. 

Theo tính toán của Juan, cha mẹ cô đã “nẫng tay trên” tổng cộng 58.000 nhân dân tệ (khoảng 207 triệu đồng) tiền mừng tuổi. Cô đâm đơn lên tòa án ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, đòi 2 bậc sinh thành phải trả lại toàn bộ số tiền này cho mình. 

Sau 2 năm xác minh và xét xử, tòa án ở Tế Nam tuyên bố Juan thắng kiện. Họ yêu cầu cha mẹ Juan phải trả lại khoản tiền này cho cô, bằng cách nộp 1.500 nhân dân tệ/tháng (tương đương 5,3 triệu VNĐ), cho đến khi “hết nợ”. 

Vào năm 2012, Trung Quốc cũng có một vụ kiện tiền hồng bao tương tự. Người khởi kiện là một nam giới có 3 con (cả 3 đều trong độ tuổi vị thành niên). Anh đại diện cho các con, đâm đơn lên tòa án ở Nhạc Thanh, Chiết Giang, tố cáo mẹ (vợ cũ đã li hôn) “cướp” tổng cộng 560.000 nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ đồng) tiền mừng tuổi (do bà nội tặng trong nhiều năm). Ông bố này cũng thành công thắng kiện. Người mẹ đã “giữ giùm” hồng bao phải trả lại 3 đứa con cả gốc lẫn lãi. 

Tiền lì xì là của trẻ con

Vụ kiện tiền hồng bao của ông bố Chiết Giang 3 con khá “chìm”, nhưng vụ kiện của Juan thì nổi như cồn. Nó khiến dân mạng Trung Quốc chia thành 2 phe, tranh cãi kịch liệt. Một phe bày tỏ sự thông cảm với 2 bậc sinh thành bị kiện.

“Thành thật mà nói, người khác tặng bao lì xì cho chúng ta cũng vì cha mẹ chúng ta đã tặng bao lì xì cho con cái họ thôi. Thế nên, cha mẹ có lấy đi hết tiền mừng tuổi cũng chẳng có gì là sai cả”, một người lập luận. 

“Cứ thử nghĩ đến chuyện, nói với mẹ rằng việc bà lấy mất hồng bao của mình là phạm pháp mà xem. Mẹ lại chẳng tế đổng cho ấy chứ”, một người khác đồng tình. 

Phe còn lại thì kịch liệt phản đối, cho rằng tiền mừng tuổi phải là của trẻ con. “Nhiều bậc phụ mẫu cứ nghĩ, con cái là của riêng nên tiền của chúng cũng là của mình”, một người tỏ ra bất mãn. 

Cuối cùng, tòa án Tế Nam phải vào cuộc. Họ đăng bài viết công khai, khẳng định “hồng bao là của tặng, đi kèm hành động cho. Người lớn cho trẻ con hồng bao, nên hồng bao là tài sản của trẻ con – người nhận. Người nhận – trẻ con có toàn quyền đối với tiền mừng tuổi”.

“Trong trường hợp phụ huynh muốn giữ hồng bao thay cho con em, họ phải giải thích tường tận cho đứa trẻ hiểu. Bất kể thế nào, tiền lì xì vẫn là tài sản riêng tư và quyền sở hữu của trẻ con”.

Pháp luật Trung Quốc cũng quy định, cha mẹ có thể quản lý giúp, nhưng không được phép lấy tiền mừng tuổi của con.
Pháp luật Trung Quốc cũng quy định, cha mẹ có thể quản lý giúp, nhưng không được phép lấy tiền mừng tuổi của con.

Thực tế đẹp hơn

Mừng tuổi trẻ em bằng tiền là tập tục chung của các nước châu Á. Trừ 2 trường hợp kiện tụng hi hữu ở Trung Quốc, chuyện tiền lì xì chưa bao giờ là vấn đề “căng” đến mức cần tới sự can thiệp của pháp luật. 

“Cha mẹ tôi luôn giữ tiền mừng tuổi của chị em tôi, để bù vào khoản họ phải lì xì cho những đứa trẻ khác” - Angeline Ang-Pang (Singapore) cho biết - “Tôi với chị chưa bao giờ so đo, hờn dỗi gì vì chuyện này cả. Chúng tôi đều biết cha mẹ cũng rất vất vả mà”.

“Cha mẹ tôi thì giải thích rõ ràng lí do tại sao họ cần lấy lại tiền hồng bao của chúng tôi”, Pengli (một cư dân Singapore khác) cho hay. Ashley Chan (27 tuổi), người Hồng Kông cũng bày tỏ sự thấu hiểu với hành động “chẳng đặng” của cha mẹ.

“Họ đã phải nuôi tôi lớn, cho tôi ăn học suốt từ khi tôi mới mở mắt chào đời. Một chút tiền mừng tuổi thì có là gì so với công lao hay khoản tài chính họ đã đầu tư vào tôi đâu. Tôi nghĩ rằng, cha mẹ có quyền với tiền hồng bao của mình”.

Thực tế, rất ít bậc phụ mẫu lấy đi tiền mừng tuổi của con cái. Ngay cả trong đất nước coi lì xì là lệ bắt buộc – Nhật Bản, các ông bố, bà mẹ cũng không vì quá tốn kém khoản mừng tuổi mà đòi hỏi lũ trẻ phải đưa lại cho mình. 

Dù là ở quốc gia nào, các phụ huynh cũng có một nỗi lo trước khoản tiền mừng tuổi của con em. Đó là chúng có thể không biết giữ và chi tiêu hợp lý. Vì thế, đa phần mọi người cho rằng nên có trách nhiệm giữ giùm. “Tôi sẽ giữ tiền lì xì của mấy đứa con, đợi chúng lớn lên rồi trả lại sau”, Rose Lim (Trung Quốc) bộc bạch. 

“Cha mẹ tôi đã thật sự gửi hết tiền mừng tuổi của tôi vào tài khoản ngân hàng đứng tên tôi”, Justin Ng (30 tuổi, Singapore) khoe. Sau nhiều năm, số tiền này đã hỗ trợ cho Justin không ít trong cuộc sống. 

Theo Bbc và Scmp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ