Trung Quốc: Chương trình sau đại học giảm sức hút

GD&TĐ - Xu hướng học sau đại học tại Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại và có nguy cơ đảo ngược...

Tỷ lệ sinh viên Trung Quốc đăng ký theo học chương trình sau đại học giảm dần.
Tỷ lệ sinh viên Trung Quốc đăng ký theo học chương trình sau đại học giảm dần.

Trong những năm gần đây, chương trình sau đại học tại Trung Quốc đã thu hút lượng lớn cử nhân đại học, nhất là trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, xu hướng này đang có dấu hiệu chững lại và có nguy cơ đảo ngược.

Bằng cao học trước kia được coi là con đường dẫn đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn hơn, đặc biệt là trong thị trường lao động cạnh tranh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, số liệu mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh sau đại học đã giảm năm thứ 2 liên tiếp. Xu hướng này đặt câu hỏi về tính hiệu quả và giá trị của chương trình cao học tại quốc gia này.

PGS Shen Wenqin, làm việc tại Đại học Bắc Kinh, chia sẻ: “Sinh viên hiện tại có điểm trung bình các môn học không cao. Vì vậy, việc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp sẽ hợp lý và dễ dàng hơn tiếp tục học lên cao”.

Nguyên nhân khác là do sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên, đặc biệt là những người mới tốt nghiệp. Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi từ 16 đến 24 đã vượt qua 17% trong 4 tháng liên tiếp của năm 2024. Điều này khiến các sinh viên mới tốt nghiệp đặt câu hỏi về hiệu quả khi tiếp tục học lên cao với mức chi phí “khổng lồ”.

Bên cạnh đó, tỷ lệ “hoàn vốn cá nhân” từ việc học sau đại học, tức % mức thu nhập tăng thêm nhờ bằng thạc sĩ, tiến sĩ, đã giảm trong những năm gần đây. Chị Yang Jia, sinh viên tốt nghiệp ngành Y học dự phòng, cho biết: “Việc tìm kiếm công việc ngay sau khi tốt nghiệp là lựa chọn thực tế hơn. Tôi có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc thay vì tiếp tục theo đuổi chương trình thạc sĩ kéo dài 2 hoặc 3 năm”.

Trái ngược với số lượng thí sinh giảm, các trường đại học Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng tuyển sinh các chương trình sau đại học trong năm tới. Một số trường còn kéo dài thời gian học để giúp sinh viên có thêm cơ hội trau dồi kỹ năng. Động thái này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi ảnh hưởng thời gian tìm kiếm việc làm của sinh viên và chưa mang đến những lợi ích thực tế.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hệ thống “thẻ đỏ, vàng”. Cụ thể, các trường đại học có tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp dưới 50% trong hai năm liên tiếp sẽ nhận được thẻ vàng.

Những chương trình không cải thiện sẽ bị cấp thẻ đỏ, làm tăng nguy cơ bị đình chỉ hoặc đóng cửa cơ sở. Vì vậy, các cơ quan giáo dục cho rằng biện pháp trên sẽ cải thiện tình trạng việc làm kém của sinh viên tốt nghiệp nhờ vào việc trau dồi kiến thức chuyên môn.

Sự suy giảm trong số lượng sinh viên đăng ký kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi trong cách nhìn nhận giá trị của các chương trình học sau đại học. Các trường đại học sẽ cần cân nhắc lại chiến lược tuyển sinh và chương trình đào tạo của mình để phù hợp với nhu cầu thực tế của sinh viên và thị trường việc làm.

Chuyên gia giáo dục Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỉ 21, lý giải: “Bằng sau đại học không còn đảm bảo cơ hội nghề nghiệp tốt hơn so với bằng đại học. Vì vậy, nhiều sinh viên chuyển sang xu hướng đầu tư cho các kỹ năng thực tiễn thay vì tích lũy kiến thức lý thuyết”.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh trứng ung được một tài khoản mạng đăng tải trên TikTok. Ảnh chụp màn hình

Hệ lụy từ ăn 'trứng thối'

GD&TĐ - Không ít người dùng TikTok đăng tải video mukbang trứng ung, thối và cho biết, món ăn này ngon và bổ dưỡng.