Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học quốc tế khi nhận đơn xin nhập học của sinh viên Thái Lan đều "soi" rất kỹ. Nhiều tríthức trẻ đau xót thừa nhận vấn nạn đó đang làm xấu hình ảnh đất nước, con người, nền giáo dục của Thái Lan và thẳng thắn tố cáo tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính.
Dịch vụ "hoàn hảo" có kèm "khuyến mại chống trượt"
"Tôi đảm bảo với bạn. Không một khách hàng nào của chúng tôi gặp rắc rối sau khi hoàn tất các thủ tục viết tay do chúng tôi hướng dẫn. Các trường đại học sẽ chẳng bao giờ phát hiện ra" - Bà Pang miệng nói tía lia, rồi nhoẻn một nụ cười có vẻ rất điềm tĩnh trên môi.
Công ty của bà Pang tự quảng cáo "địa chỉ đáng tin cậy" - nơi có khả năng giúp sinh viên có ước muốn đi du học bằng cách đảm bảo "hoàn thiện" mọi thủ tục cần thiết. Sau khi liên lạc với công ty qua email, phóng viên một tờ báo đã gặp bà Pang ở một quán cà phê nằm trên đường Silom.
"Chúng tôi đã hoạt động suốt một thập niên rồi và chúng tôi chưa hề nghe thấy bất kỳ khách hàng nào gặp phiền toái vì dịch vụ của chúng tôi. Mọi người đều hài lòng với những gì mà chúng tôi đã thực hiện" - Bà Pang trấn an.
Để "chào hàng", bà Pang đưa ra 3 gói dịch vụ tùy chọn khác nhau gồm: sơ cấp, trung cấp và chuyên nghiệp. Người viết hồ sơ sơ cấp có bằng cử nhân từ trường đại học ở nước ngoài, tuy nhiên kinh nghiệm viết văn bản học thuật có giới hạn. Chi phí ban đầu khoảng 3.800 bath/trang hoặc khoảng 500 chữ.
Người viết hồ sơ trung cấp có trình độ tương đương, nhưng giàu kinh nghiệm viết văn bản học thuật hơn, giá 6.500 bath/ trang. Người viết hồ sơ chuyên nghiệp là người nói tiếng Anh bản xứ có thể hoàn chỉnh bộ thủ tục du học "chất lượng cao" với chi phí 15.000 bath cho trang đầu tiên và 7.000 bath cho mỗi trang tiếp theo.
Bà Pang khăng khăng đảm bảo công việc sẽ được hoàn tất trong vòng 7 ngày kể từ sau ngày nhận được 50% tiền đặt cọc từ khách hàng; đồng thời khoe rằng công ty đã giúp "nâng bước thành công" cho nhiều sinh viên Thái Lan.
Cô phóng viên trao đổi với bà Pang rằng, cô có "nguyện vọng" học khoa học chính trị ở một trong những cơ sở thuộc hệ thống đại học Ivy, Đại học Harvard hoặc Yale. Bà Pang tiết lộ: Nếu trình độ và thành tích học tập của cô không đủ đáp ứng yêu cầu đầu vào, công ty sẽ "hỗ trợ" hoàn chỉnh mọi thủ tục để nêu rõ động cơ về mong ước học tốt ở ngôi trường đó.
Sau lần gặp mặt đầu tiên giữa 2 bên, cô phóng viên được hẹn gặp lại vào ngày hôm sau để gặp cô Koi, một "thầy phù thủy" làm hồ sơ du học. Cô Koi còn trẻ, nhưng có phong thái làm việc rất chuyên nghiệp, cô có bằng cử nhân khoa chính trị công từ một trường đại học của Mỹ.
Khi ngồi chưa ấm chỗ, cô Koi đã lập tức hỏi dồn ứng viên về trình độ học vấn và cách đạt được điểm số các bài thi tiếng Anh TOEFL và IELTS. "Nếu điểm trung bình toàn môn của cô từ trường đại học không cao, thì rất khó đặt chân đến hệ thống đại học cấp cao Ivy. Tuy nhiên, tôi nói cho cô biết tuyên bố về mục đích du học là một yếu tố rất quan trọng", bằng giọng dịu ngọt cô Koi cố thuyết phục khách hàng.
Sau khi cuộc trao đổi kết thúc, bà Pang cho hay người viết thủ tục "giúp" du học sẽ bắt đầu triển khai ngay "gói dịch vụ đặc biệt đó" sau khi khách hàng trả 50% tiền đặt cọc. Bà Pang cũng cung cấp cho khách hàng danh sách 10 trường đại học nước ngoài để "chống trượt". Nhưng phóng viên đã quyết định giữ lại tiền và không còn gặp lại "2 cò" tư vấn du học đó nữa.
Tham nhũng "tiếp tay" cho nạn làm, buôn hồ sơ du học giả ở Thái Lan?
Cảnh sát Thái Lan bắt giữ một đường dây sản xuất, kinh doanh luận văn, bằng cấp, chứng chỉ và hồ sơ du học giả ở Bangkok năm 2013. |
Hiện nay, các trường đại học Mỹ liên tục yêu cầu tất cả sinh viên, bất kể quốc gia của họ có gốc Anh ngữ hoặc học Anh ngữ, phải tự viết luận văn và tuyên bố nguyện vọng du học. Sử dụng thủ tục giả sẽ là căn cứ hủy bỏ kết quả hoặc truất quyền tuyển sinh.
"Nhiều trường sẽ thu hồi giấy phép nhập học hoặc trục xuất sinh viên sau khi phát hiện ra các thủ tục, hồ sơ gian lận" - Ông Joshua Russo, Giám đốc điều hành Công ty Giáo dục Trí thức (một thành viên của OACAC) cơ sở tại Bangkok đưa ra lời cảnh báo.
Ông Russo nhấn mạnh, việc dựa vào người khác làm hồ sơ xin học có thể khiến giấc mơ du học của một sinh viên tan thành bọt nước.
Tại Hội nghị thường niên của OACAC được tổ chức vào cuối năm 2013, các chuyên gia giáo dục đã thẳng thắn nói về nạn buôn hồ sơ, văn bằng và chứng chỉ du học giả ở Thái Lan. Vì gian lận nên sinh viên Thái Lan thường mất cơ hội học tập ở các trường đại học nước ngoài danh tiếng, đặc biệt Mỹ và Anh.
Theo lý giải của ông Russo: "Các trường đại học Mỹ bây giờ luôn đọc kỹ đơn xin nhập học của sinh viên Thái Lan chỉ để thẩm định quá trình học tập và thành tích đạt được, nên họ không yêu cầu sinh viên Thái Lan sử dụng Anh văn như người bản xứ.
Một bộ hồ sơ hoàn hảo 100% không nhất thiết phải có kết quả học tập hoàn hảo mà là một bộ hồ sơ phản ánh nhân cách, năng lực cá nhân và những điểm số vượt trội.
Ông Russo khuyên sinh viên nên thật thà, minh bạch về quá trình học tập, bởi đó là điều kiện tiên quyết giúp họ có tấm vé thông hành trong môi trường giáo dục quốc tế.
Văn phòng Ủy ban Giáo dục Đại học Thái Lan (OHEC) khẳng định: Việc thuê người khác làm giả hồ sơ du học rõ ràng là hành vi trái đạo đức, tuy nhiên hiện Thái Lan chưa có luật định để hạn chế hoặc triệt tiêu vấn nạn này, nên đã tạo ra cơ hội kinh doanh béo bở cho một số doanh nghiệp "gắn mác" giáo dục trục lợi.
"Tôi thật sự bất bình với những sinh viên thuê các công ty viết luận văn, hồ sơ, thủ tục cho họ. Những doanh nghiệp đó chỉ làm việc với mục đích kiếm tiền nhỏ mọn… văn phong của họ na ná nhau và có cùng một khuôn mẫu, vì vậy cuối cùng các trường đại học nhận ra đó không phải do sinh viên tự viết", giọng gay gắt, chị Warunrat Thadaprapakan một du học sinh Thái Lan hiện đang theo học khoa Kinh tế - Luật của Đại học Deakin (Melbourne, Australia) phản đối nạn đạo văn và làm giả hồ sơ du học ở quê nhà.
Chị Pakdee, nguyên du học sinh Thái Lan và hiện làm việc tại Mỹ khẳng định, nạn đạo văn và làm giả hồ sơ du học đã trở nên phổ biến ở Thái Lan do hệ thống giáo dục của nước này rất yếu kém, song song với đó là nạn tham nhũng: "Đó cũng là nỗi hổ thẹn cho hệ thống giáo dục của chúng tôi bởi hệ thống đó không thể giúp sinh viên tránh khỏi những hành động tham nhũng".