Trứng gà Trung Quốc đội giá vì nắng nóng

GD&TĐ -Nắng nóng như thiêu đốt kéo dài ở Trung Quốc trong mùa hè năm nay đang khiến năng suất trứng tại các trang trại suy giảm, gây ra tình trạng giá trứng tại nhiều thành phố tăng 30%.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đang tiếp tục ghi nhận những ngày nắng nóng kỷ lục, khiến Đài khí tượng quốc gia nước này liên tục đưa ra cảnh báo đỏ vì nhiệt độ cao từ ngày 15/8 đến nay. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt này không chỉ gây ảnh hưởng đến con người, mà động vật, vật nuôi cũng bị căng thẳng.

Các chuyên gia cảnh báo, nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất sản phẩm từ động vật gồm trứng, sữa và khiến ngành chăn nuôi Trung Quốc chịu tổn thất lớn. Hiện nay, mặc dù số lượng gà đẻ ở các trang trại tại Trung Quốc không giảm, nhưng chúng ăn ít hơn vào những ngày nắng nóng, dẫn đến sản lượng trứng giảm sút.

Nông dân tại tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc cho biết sản lượng trứng giảm vì thời tiết nóng nực. Một số trang trại phải lắp đặt hệ thống làm mát cho gà mái. Tuy nhiên, từ đầu mùa hè đến nay thành phố này đã ghi nhận 14 ngày có nhiệt độ trên 38 độ C, mức nhiệt cao kỷ lục và dự báo nhiệt độ chưa thể hạ xuống trong những ngày tới.

Nguồn cung trứng từ các trang trại suy giảm khiến giá trứng gà tại một số thành phố Trung Quốc tăng vọt. Tại thành phố Hợp Phì, giá trứng gà tăng khoảng 30%, trong khi các thành phố khác như Hàng Châu và Hải An cũng ghi nhận mức tăng tương tự.

Ngoài việc ảnh hưởng đến các trang trại chăn nuôi gia cầm đẩy giá trứng tăng cao, đợt nắng nóng kỷ lục tại Trung Quốc còn đang khiến tỉnh Tứ Xuyên - nơi chuyên sản xuất lithium cho pin xe điện của nước này phải cắt điện luân phiên từ ngày 17/8.

Trong khi đó, các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và An Huy, vốn phụ thuộc vào nguồn điện từ miền Tây Trung Quốc, cũng phải ban hành lệnh hạn chế sử dụng điện trong sản xuất công nghiệp để bảo đảm các hộ gia đình có đủ điện sinh hoạt.

Còn tại tỉnh miền Đông Giang Tây cũng đang phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng, khiến khoảng 11.000 người gặp khó khăn trong việc tiếp cận nước uống, trong khi hơn 140.000 ha cây trồng bị thiệt hại.

Để đối phó với tình hình hạn hán cực đoan, giới chức Trung Quốc đang huy động nhiều biện pháp để khắc phục, đặc biệt là ở các khu vực dọc sông Dương Tử, như triển khai công nghệ làm mưa nhân tạo. Tuy nhiên, do mật độ mây bao phủ tại đây đang quá mỏng nên các hoạt động điều chỉnh thời tiết nhân tạo này vẫn đang ở chế độ chờ.

Trung Quốc hiện là một trong những nước đi đầu thế giới về công nghệ làm mưa nhân tạo bằng cách sử dụng các thanh i-ốt bạc. Các thanh này sẽ được bắn vào các đám mây để hình thành các tinh thể băng, giúp đám mây tạo ra nhiều mưa hơn. Phương pháp gieo mây nhân tạo này từng được Trung Quốc sử dụng tại Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, nhằm đảm bảo thời tiết khô ráo cho lễ khai mạc sự kiện.

Dù công nghệ thời tiết đã phát triển mạnh nhưng các dạng thời tiết cực đoan như nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra vẫn đang hàng ngày gây hại cho Trung Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung.

Trong khi đó, cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc cảnh báo, nhiệt độ trung bình ở nước này này đã tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu trong 70 năm qua và sẽ còn tăng đáng kể trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.