Trung Đông: Giảng viên thất vọng về điều kiện việc làm

GD&TĐ - Không chỉ phàn nàn về lương thấp, giáo sư đại học tại các nước Ả Rập bày tỏ bất mãn vì thiếu chế độ phúc lợi, hợp đồng lao động ngắn hạn.

Chế độ đãi ngộ dành cho giảng viên tại Trung Đông còn thấp.
Chế độ đãi ngộ dành cho giảng viên tại Trung Đông còn thấp.

Nhiều người muốn rời đất nước đến những quốc gia có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho giảng viên.

Tổ chức giáo dục University World News đã thực hiện phỏng vấn 75 giáo sư tại các trường đại học công lập và tư thục ở 11 quốc gia Trung Đông gồm Algeria, Ai Cập, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Palestine, Qatar, Sudan, Tunisia và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Kết quả cho thấy, giảng viên các trường đại học tư thục có mức lương cao hơn so với đồng nghiệp ở các trường công lập. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn về chế độ phúc lợi còn nhiều yếu kém như không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không có phụ cấp ngoài mức lương ký theo hợp đồng.

Trang truyền thông Ả Rập Al-Fanar Medi mới đây cũng tiết lộ rằng ở các nước, trường đại học tư nhân thuê giảng viên theo hợp đồng ngắn hạn như một học kỳ. Các trường có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào và không cần bồi thường.

Anh Mazhar El-Shorbagy, giảng viên tại Trường Đại học Deraya, Ai Cập, chia sẻ: “Tôi cho rằng, việc không ký hợp đồng dài hạn khiến các giáo sư sống trong trạng thái tâm lý lo lắng, bất ổn vì họ có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Điều này không mang lại công việc ổn định cho mọi người”.

Hợp đồng làm việc tại các trường công lập được đánh giá là chắc chắn, dài lâu hơn so với các trường tư thục. Hợp đồng đi kèm những phúc lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nếu nhà trường chấm dứt hợp đồng, giảng viên sẽ nhận được các khoản bồi thường và tiền trợ cấp. Nhưng giảng viên công lập đánh giá mức lương tương đối thấp. Nhiều trường gần đây đã cắt giảm nhân lực hoặc giảm phúc lợi.

Ngoài ra, nhiều quốc gia Trung Đông không có công đoàn hoặc tổ chức vận động cho giảng viên đại học để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của họ. Trong 11 quốc gia University World News thực hiện khảo sát, không nước nào có công đoàn dành cho giảng viên trường đại học tư nhân.

Tại Sudan, các giáo sư đại học đang tìm cách thành lập liên minh gồm đại diện công đoàn giảng viên các trường đại học để tạo dựng một tổ chức có ảnh hưởng. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa được các nhà trường và chính phủ ghi nhận nên vẫn lâm vào bế tắc. Đây cũng là trường hợp tại quốc gia Jordan.

Vấn đề của giảng viên đại học không chỉ nằm ở hợp đồng làm việc hay cơ quan đại diện. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn như cơ hội đào tạo nâng cao kinh nghiệm, lương thưởng trong công việc, hỗ trợ nhà ở và phương tiện đi lại cho người lao động xa trường học. Các nhà trường cũng không cung cấp máy tính hoặc dịch vụ Internet miễn phí trong trường cho nhân viên.

Một giáo sư đại học tại Algeria bày tỏ: “Công việc giảng dạy đã trở thành một gánh nặng. Chúng tôi không có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học hay cơ hội thăng tiến nên không có động lực để phấn đấu. Điều này dẫn đến thiếu đam mê và biến dạy học trở thành nghề khó khăn”.

Việc thiếu phúc lợi không chỉ ảnh hưởng đến các giáo sư, mà còn tác động lên toàn bộ lĩnh vực giáo dục đại học. Nhiều người đã xin nghỉ việc, tìm kiếm cơ hội việc làm tại nước ngoài gây tổn thất lớn cho nguồn nhân lực trong nước.

Ông Mamdouh Taj, làm việc tại Trường ĐH Hồi giáo Omdurman, Sudan, cho biết: “Ước tính khoảng 13 nghìn giáo sư tại các trường đại học Sudan đã di cư đến các quốc gia Trung Đông khác hoặc châu Âu trong những năm gần đây. Việc thiếu quan tâm đến vị thế nhà giáo đã phản ánh chất lượng giáo dục đại học kém, trình độ sinh viên tốt nghiệp thấp trên cả nước”.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.