“Bình thường mới” ở Trung Đông

GD&TĐ - Ngày 12/5, nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas nã cấp tập hơn 200 quả rocket vào đất Israel để trả đũa các vụ quân đội Do Thái tấn công vào Dải Gaza.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Căng thẳng bùng lên dữ dội những ngày qua đang tạo ra không khí căng thẳng quen thuộc tại điểm nóng chính trị của thế giới này như thời trước Covid-19.

Làn sóng xung đột mới giữa bối cảnh đại dịch hoành hành được châm ngòi từ đêm 7/5, khi cảnh sát Israel ập vào nhà thờ Hồi giáo Al-Agsa nằm tại khu vực Núi Đền linh thiêng nhất Jerusalem.

Vụ xô xát tại đây đã khiến hơn 200 người bị thương và bạo lực đã leo thang sau đó đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Jerusalem mùng 9/5, đánh dấu sự kiện người Do Thái chiếm lại thành cổ năm 1967.

Đặc biệt, phe Hamas đã bắn rocket vào thành phố Tel Aviv hôm 11/5 khiến một người thiệt mạng, nạn nhân đầu tiên của bom đạn tại Israel sau một thời gian dài. Quân đội Israel lập tức kích hoạt tấn công vào khu vực Dải Gaza và theo chính quyền địa phương đã khiến ít nhất 32 người Palestine thiệt mạng.

Để đáp trả, phe Hamas nã cơn mưa rocket khiến nhiều thành phố trên khắp Israel rền vang tiếng còi báo động kêu gọi người dân xuống hầm trú ẩn hôm 12/5.

Lãnh đạo phe Hamas là Ismail Haniyeh tuyên bố, tổ chức này sẽ tiếp tục các cuộc tấn công bằng rocket cho đến khi nào Israel “dừng tất cả các cuộc khủng bố ở Jerusalem và nhà thờ Hồi giáo Al-Agsa”.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ không nhượng bộ, vì phe Hamas đã “vượt qua lằn ranh đỏ” và sẽ phải trả giá vì phóng rocket vào các thành phố Do Thái.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về hòa bình Trung Đông là Tor Wennesland cảnh báo Israel và Hamas “đang leo thang xung đột tiến tới một cuộc chiến tranh toàn diện”. Đây cũng là cuộc đụng độ quân sự dữ dội nhất giữa hai bên kể từ cuộc chiến năm 2014 tại Dải Gaza, khiến cả Liên Hợp Quốc và các nước lớn đều lo ngại tình hình có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cuộc xung đột tại thành cổ Jerusalem, nơi là thánh địa của cả 3 tôn giáo là đạo Hồi, Thiên Chúa và Do Thái, đã diễn ra suốt hàng nghìn năm nay.

Trong thời hiện đại, đây cũng luôn là tâm điểm đụng độ giữa người Israel và Palestine và hầu hết đều liên quan đến vấn đề tôn giáo và các vùng đất định cư.

Làn sóng bạo lực mới nhất xảy ra sau khi Israel dỡ bỏ các lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 vì gần đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng. Nhờ đó, các sinh hoạt tôn giáo tại thánh địa Jerusalem dần trở lại bình thường.

Chính bối cảnh “bình thường mới” này đã tạo điều kiện xảy ra các vụ va chạm lẻ tẻ giữa người Hồi giáo và lực lượng an ninh Do Thái trong tháng lễ ăn chay Ramadan.

Đặc biệt, mới đây Israel đã đe dọa trục xuất một số gia đình người Palestine tại khu vực Sheikh Jarrah, phía Đông Jerusalem.

Tòa án Israel dự kiến sẽ ra phán quyết về vụ việc gây căng thẳng này vào ngày 10/5, nhưng sau đó đã hoãn lại khiến người Palestine bất bình. Sự kiện này cộng với các cuộc va chạm trong tháng lễ Ramadan giữa các tín đồ Hồi giáo với cảnh sát Israel đã thổi bùng cuộc xung đột quy mô lớn.

Nguyên nhân dẫn đến đợt đụng độ lần này tại Israel vốn không có gì mới. Trong khi đó, các nước lớn vẫn có cách tiếp cận vấn đề tương tự như trước đây khi Mỹ và Liên Hợp Quốc kêu gọi hai bên kiềm chế bạo lực, còn Nga và các nước Trung Đông thì xoáy vào việc lên án kế hoạch trục xuất người Palestine của Israel.

Bối cảnh này một lần nữa khiến xung đột chỉ như một sự “bình thường mới” không biết đến bao giờ mới kết thúc tại vùng Đất Thánh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ