Với hàng loạt khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên nhiều tỉnh thành, cùng sự ra đời hãng hàng không bamboo, nhiều người tin rằng con số 860 tỷ đồng có lẽ không phải là vấn đề quá lớn với Tập đoàn FLC.
Nhưng thực tế là từ ngày 25/7/2017 đến nay đã hơn 2 năm trôi qua, Tập đoàn FLC mới chỉ nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 98/860 tỷ đồng (tiền trúng đấu giá lô đất ĐM1) thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Xét xử công khai vụ kiện giữa Tập đoàn FLC và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam |
Như vậy, đến nay sau hơn 2 năm lô đất ĐM1 được công bố có chủ thì đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm, vì Tập đoàn FLC chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Ngày 27/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đến thời điểm này Thành phố vẫn chưa có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của FLC đối với lô đất ĐM1.
Đến thời điểm hiện tại, lô đất ĐM1 vẫn như vậy, đơn vị trúng đấu giá lô đất cũng mới chỉ nộp một khoản tiền từ đầu đến nay.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một cán bộ đội thanh tra xây dựng phường Đại Mỗ cũng xác nhận, đến thời điểm này lô đất ĐM1 vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Phường cũng chỉ nắm được do chủ đầu tư trúng đấu giá là Tập đoàn FLC chưa nộp đủ số tiền trúng đấu giá.
Vị trí lô đất FLC trúng đấu giá năm 2017 đến nay vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Ảnh: Chụp bản đồ vệ tinh. |
Cụ thể, ngày 25/7/2017, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC trúng đấu giá lô đất ký hiệu ĐM1 có diện tích 6,4 héc-ta với giá 860 tỷ đồng.
Ngày 22/8/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC với giá trúng đấu giá 860 tỷ đồng.
Sau khi trúng đấu giá lô đất trên, ngày 15/9/2017, Tập đoàn FLC mới hoàn thành nghĩa vụ được 98 tỷ đồng (bao gồm 48 tỷ đồng tiền đặt trước).
Tuy nhiên, sau thời gian dài trúng đấu giá, Tập đoàn FLC không thực hiện nộp đủ số tiền trúng đấu giá theo quy định buộc Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm phải báo cáo Thành phố Hà Nội xem xét hủy kết quả trúng đấu giá theo quy định.
Theo quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền trúng đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp đủ một lần số tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước.
Kết quả của việc xem xét hủy kết quả lô đất trên được lãnh đạo giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng để xem xét hủy kết quả trúng đấu giá của FLC theo quy định.
Nhưng sau khi họp liên ngành, các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội cũng chưa thể đưa ra quyết định rõ ràng để hủy kết quả trúng đấu giá của FLC.
Hà Nội tiếp tục giao cho Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm chủ trì họp liên ngành, nhưng chưa có kết quả nào khác.
Trụ sở của Tập đoàn FLC. Ảnh: V.P. |
Xử lý nghiêm để không tạo ra tiền lệ xấu
Nhiều người lo ngại việc Tập đoàn FLC trì hoãn nộp số tiền 760 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước mà Hà Nội không hủy kết quả sẽ dẫn đến nhờn luật, coi thường sự nghiêm minh của pháp luật.
Điều này cũng vô tình tạo tiền lệ xấu sau này cho Hà Nội nếu như nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá rồi trì hoãn, tìm đủ lý do để chậm nộp, thách thức pháp luật thì việc thu ngân sách khó đảm bảo kế hoạch đặt ra.
Đáng nói, Tập đoàn FLC tham gia trúng đấu giá nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính kéo dài tới 2 năm sẽ làm mất cơ hội cho nhiều đơn vị khác có thực lực muốn đầu tư.
Câu hỏi dư luận đặt ra, nếu Tập đoàn FLC trì hoãn nộp nốt số tiền còn lại 760 tỷ đồng sẽ tính lãi chậm nộp phạt ra sao?
Hai lần họp liên ngành, Hà Nội vẫn chưa thể hủy kết quả trúng đấu giá của FLC |
Theo quy định pháp luật đã chỉ rõ, trường hợp trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước (hoặc cơ quan được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu) theo đúng thời hạn tại thông báo do cơ quan thuế ban hành.
Trường hợp nộp chậm so với thời hạn quy định tại thông báo của cơ quan thuế thì phải nộp tiền chậm nộp thuế quy định của pháp luật quản lý thuế.
Cụ thể, theo Điều 106, Luật quản lý thuế năm 2007 về xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế: “Người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”.
Như vậy, nếu chỉ tính số tiền lãi suất từ 760 tỷ đồng chưa nộp trong hơn 2 năm qua và tiền phạt theo quy định thì Tập đoàn FLC có thể phải nộp nhiều tỷ đồng.
Chắc chắn dư luận xã hội sẽ hết sức đồng tình ủng hộ khi cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm minh với những doanh nghiệp vi phạm. Thượng tôn pháp luật phải được đặt lên trên hết để duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, không thể có trường hợp ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân và doanh nghiệp nào.