Trưng bày về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi

GD&TĐ - Nhiều tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của vua Hàm Nghi sẽ được trưng bày tại Huế để giới thiệu đến công chúng về một nghệ sĩ tài hoa.

Trưng bày về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi

Dựa vào các kết quả thu được từ chuyến công tác tại Pháp (ngày 21/8 - 27/8) của đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tiến hành sưu tầm tư liệu, hình ảnh liên quan đến vua Hàm Nghi. Trong đó nổi bật là bản sao các tác phẩm nghệ thuật do vua Hàm Nghi thực hiện trong thời gian ở Alger.

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế sẽ phối hợp với Tiến sĩ Amandine Dabat (Quốc tịch Pháp, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, là người đã từng làm luận án Tiến sĩ về cuộc đời làm nghệ thuật của vua Hàm Nghi) tổ chức trưng bày “Giới thiệu về vua Hàm Nghi-Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”.

Tác phẩm của vua Hàm Nghi.

Tác phẩm của vua Hàm Nghi.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục đích giao lưu văn hóa và giới thiệu rộng rãi cho các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, công chúng hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của vị vua yêu nước thứ 8 của triều Nguyễn thông qua diễn giả TS.Amandine Dabat.

TS.Amandine Dabat sẽ giới thiệu thông tin, hình ảnh, di vật về cuộc đời và các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi cũng như một số tư liệu sưu tầm ở trong nước để người dân Việt Nam có dịp chiêm ngưỡng và hiểu thêm về cuộc đời của vị vua này.

Đồng thời, sự kiện là dịp giới thiệu quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế và góp phần nâng cao hình ảnh điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế đối với công chúng trong và ngoài nước.

Chân dung vua Hàm Nghi.

Chân dung vua Hàm Nghi.

Trước đó, đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế đã sang thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp, kết hợp tìm kiếm các tư liệu lịch sử liên quan tại Paris, Nice – Pháp…

Đoàn công tác đã đi thăm và làm việc trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Viện Viễn đông Bác cổ – Paris, Bảo tàng nghệ thuật châu Á – Paris Cernuschi, Bảo tàng quốc gia về nghệ thuật châu Á Guimet, Bảo tàng Chiến tranh – Paris; Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á-Nice và hậu duệ của vua Hàm Nghi – bà Amandine Dabat, các nhà sưu tập tư nhân nhằm sưu tầm, lưu trữ các tài liệu gốc về di sản cung đình Huế thuộc triều Nguyễn. Đặc biệt là tư liệu và các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi…

Tác phẩm "Không đề" do vua Hàm Nghi vẽ ngày 9/11/1899.

Tác phẩm "Không đề" do vua Hàm Nghi vẽ ngày 9/11/1899.

Đoàn đã có dịp tiếp cận các tài liệu, thu thập, lưu trữ, tiếp nhận nhiều dữ liệu gốc, dữ liệu điện tử nhằm hình thành tăng cường thúc đấy mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các đối tác Pháp trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa và định hướng hợp tác trong thời gian tới.

Tiến sĩ Amandine Dabat đã ký văn bản đồng ý cho phép Huế sử dụng bản sao điện tử (có bản quyền) của 31 tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của vua Hàm Nghi, chuyển giao các tài liệu liên quan đến cuộc đời của vua Hàm Nghi.

Tiếp nhận tranh của vua Hàm Nghi.

Tiếp nhận tranh của vua Hàm Nghi.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, giữa tháng 12/2022, đơn vị đã tiếp nhận bức tranh vua Hàm Nghi vẽ lúc bị lưu đày. Bức tranh cao khoảng 30cm, dài khoảng 45cm, vẽ phong cảnh vùng quê ở châu Âu với sông, núi. Tác phẩm đã được một bảo tàng nổi tiếng ở Pháp kiểm chứng.

Vua Hàm Nghi có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, khi mới 13 tuổi. Ông là hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn.

Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết rời khỏi kinh thành Huế và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt và bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô xứ Algerie). Vua qua đời vào năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày.

Tác phẩm "Chiều tà".

Tác phẩm "Chiều tà".

Vua Hàm Nghi có tài năng, tình yêu với nghệ thuật. Khi ở Algerie, vua học vẽ ở xưởng của họa sĩ Maurius Reynaud. Sau này qua Pháp, ông học điêu khắc với nghệ sĩ Rodin. Vua theo đuổi trường phái chủ nghĩa hiện thực. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như Không đề (1889), Algerie (1900), Phong cảnh (1903), Cây ô liu cổ (1905), Chiều tà (1915)... Năm 2010, bức Chiều tà của vua được bán trong phiên của nhà đấu giá Millon với giá 8.800 euro (221 triệu đồng). Người mua là bác sĩ Gérard Chapuis - người Pháp gốc Việt hiện sống tại Marseille, Pháp.

Trưng bày “Vua Hàm Nghi (1871-1944) cuộc đời và nghệ thuật” sẽ diễn ra tại nhà Tế Tửu – Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế từ ngày 10/1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ