Phát lộ trung tâm tôn giáo lớn thời Trần tại Tĩnh Gia

GD&TĐ - Ngày 16/12, tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Viện nghiên cứu kinh thành (thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cùng Sở Văn hóa - Thể thao- Du lịch (VHTT&DL) và Trường Đại học VHTT&DL Thanh Hóa tổ chức báo cáo  sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học tại chùa Am Các, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Nhóm nghiên cứu giới thiệu với các đại biểu kết quả khai quật khảo cổ học tại chùa Am Các, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Nhóm nghiên cứu giới thiệu với các đại biểu kết quả khai quật khảo cổ học tại chùa Am Các, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Chùa Am Các tọa lạc trên núi Các, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia. Qua khảo sát, nghiên cứu, quần thể di tích chùa Am Các gắn liền với quá trình hình thành quốc gia Đại Việt tự chủ  và  sự phát triển của Phật giáo từ thế kỷ X.

Trải qua thời gian, chùa Am Các bị phá hủy hoàn toàn nên cần thiết tập trung nghiên cứu rõ giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc di tích này, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Một phần kiến trúc chùa Am Các cổ được phát lộ
Một phần kiến trúc chùa Am Các cổ được phát lộ 

Thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh năm 2018, Trường Đại học VHTT&DL Thanh Hóa phối hợp với Viện nghiên cứu kinh thành (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã mở 6 hố khai quật, thám sát khảo cổ học trên diện tích gần 543 m2 tại các khu vực: Tảng đá có khắc hình tượng Phật, chùa Hạ, chùa Trung và khu vực lò nung gạch, ngói.  

Căn cứ kết quả nghiên cứu, khai quật  khảo cổ học, giới chuyên môn kết luận: Chùa Am Các hình thành vào thời Trần, thế kỷ XIV và phát triển mạnh thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVIII, là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn. Chùa tọa lạc trên núi Các có độ cao tuyệt đối 500 m, có thể kiểm soát được cả vùng biển phía đông nam Thanh Hóa, mang yếu tố địa chính trị, quân sự. Giá trị lịch sử-văn hóa, vai trò của Am Các tự và Các sơn cùng cảnh quan môi trường, khí hậu khu vực này xứng tầm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử quốc gia.

Di vật có họa tiết trang trí thu gom được ở các hố khai quật khảo cổ học ở Am Các
Di vật có họa tiết trang trí thu gom được ở các hố khai quật khảo cổ học ở Am Các

Theo đó, cần tiếp tục khai quật khảo cổ học, nghiên cứu sâu rộng hơn Am Các và vùng phụ cận, bổ sung hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia. Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích, quy mô khoảng 300 ha gắn với phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh.

Lò sản xuất gạch cổ được phát lộ ở khu vực Am Các, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Lò sản xuất gạch cổ được phát lộ ở khu vực Am Các, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. 

Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, trước mắt cần sớm làm nhà che bảo vệ khu lò sản xuất gạch, ngói cổ đã phát lộ; lấp cát, hoàn trả mặt bằng, bảo vệ các hố khai quật, các hố thám sát đã phát lộ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ