Căn bệnh hiếm gặp
Mới đây, cư dân của 8 thành phố tại Mỹ được cảnh báo có sự xuất hiện của amip ăn não trong nguồn nước tại phía Đông Nam Texas. Ủy ban Chất lượng Môi trường Texas thông báo tới Cơ quan Cấp nước Brazosport về việc kêu gọi người dân không sử dụng nước máy do sự xuất hiện của ký sinh trùng ăn não Naegleria fowleri.
Cảnh báo được ban hành cho cư dân của Lake Jackson, Freeport, Angleton, Brazoria, Richwood, Oyster Creek, Clute và Rosenberg. Khuyến nghị này sau đó được rút lại, trừ thành phố Lake Jackson.
Vụ việc bắt đầu vào ngày 8/9, khi một bé trai 6 tuổi nhập viện. Bệnh nhi này được xác định là nhiễm ký sinh trùng ăn não Naegleria fowleri từ đài phun nước ở phía trước của Trung tâm Hành chính Lake Jackson.
Không chỉ Mỹ, các quốc gia khác trên thế giới cũng báo cáo ca bệnh do amip ăn não gây ra, trong đó có Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc ký sinh trùng ăn não Naegleria fowleri.
Bệnh nhân tên P.V.T. (25 tuổi), quê ở Phú Yên, tạm trú tại Bình Thạnh (TPHCM) đã tử vong sau một ngày nhập viện. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, giữa tháng 7/2012, người bệnh về quê dự đám cưới người thân và cùng bạn bè lặn bắt trai ở một hồ nước lớn gần nhà.
Cuối tháng 7, sau khi trở lại nơi tạm trú tại TPHCM, người này bắt đầu có triệu chứng sốt, nhức đầu, tình trạng lơ mơ và tới khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Kết quả khám lâm sàng cũng như các xét nghiệm cận lâm sàng trước và sau khi người bệnh tử vong cho thấy, thanh niên này bị viêm não - màng não, với các biến chứng suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa và ngưng tim đột ngột. Xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR cho kết quả dương tính với đơn bào chân giả Naegleria fowleri. Trường hợp này đã xác định được yếu tố dịch tễ và đường lây nhiễm bệnh rõ ràng.
Bệnh nhân thứ hai là L.T.T (6 tuổi), ngụ tại Tân Đông Hòa, Bình Tân (TPHCM). Bệnh nhi tử vong vào ngày 12/8/2012 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Khảo sát yếu tố liên quan ghi nhận bệnh nhi có tiền sử xuất huyết não sau sinh, bị động kinh, chậm phát triển tâm thần vận động.
Mọi sinh hoạt tắm rửa hằng ngày của bệnh nhi đều sử dụng nguồn nước máy và do người thân giúp đỡ, chưa bao giờ bị sặc nước lên mũi họng. Kết quả phẫu thuật tử thi và xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR dương tính với đơn bào chân giả Naegleria fowleri.
Tỷ lệ tử vong cao
Theo Bộ Y tế, viêm não - màng não do đơn bào dạng amip Naegleria fowleri là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương.
Đơn bào sống trong môi trường nước ngọt, xâm nhập vào niêm mạc mũi, qua các đám rối thần kinh dưới niêm mạc để vào não, gây nên tình trạng viêm và tổn thương các tế bào não.
Bệnh phát triển nhanh chóng trong vòng vài ngày sau khi bị lây nhiễm và thường gây tử vong trong vòng 1 - 2 tuần sau khi mắc bệnh.
Đơn bào dạng amip Naegleria fowleri sống trong môi trường nước ngọt nóng ẩm tự nhiên như các ao hồ, sông ngòi... Naegleria fowleri bền với nhiệt và có thể tồn tại ở nhiệt độ lên đến 46 độ C.
Bệnh biểu hiện cấp tính giống như viêm não, màng não với các triệu chứng: Sốt cao liên tục; Đau đầu, buồn nôn và nôn; Hội chứng màng não rõ; Có thể liệt các dây thần kinh sọ.
Vòng đời của Naegleria fowleri có 3 giai đoạn: Tự dưỡng - tạo roi - bào nang. Trong đó, tự dưỡng là thể gây bệnh cho người. Tỷ lệ mắc bệnh do Naegleria fowleri gây ra là rất thấp. Ước tính là 1 trường hợp mắc bệnh trên 2,6 triệu nguy cơ tiếp xúc.
Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người, không lây qua không khí, nước uống và không lây thành dịch. Khả năng bị lây bệnh còn tùy thuộc vào cơ địa và tiền sử bệnh lý mạn tính vùng mũi xoang. Naegleria fowleri rất nhạy cảm với clo. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo các hồ bơi nên khử trùng đầy đủ bằng clo.
Mặc dù đây là bệnh hiếm gặp, nhưng tỷ lệ tử vong vô cùng cao. Do đó, Bộ Y tế nhấn mạnh, phòng bệnh là biện pháp tốt nhất để giảm tỷ lệ mắc và tử vong.
Để phòng, chống nhiễm đơn bào Naegleria fowleri, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao. Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi.
Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi... Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.