Trục vớt thành công 4 khẩu thần công thời Tây Sơn

Trục vớt thành công 4 khẩu thần công thời Tây Sơn

(GD&TĐ) - Sáng ngày 5/10, 4 khẩu súng thần công do anh Nguyễn Minh Trung, nhân viên điều khiển cần cẩu gàu cạp và nhóm công nhân làm việc trên xà lan nạo vét luồng tàu ra vào cảng Quy Nhơn của Công ty Hiệp Thành (tỉnh Long An) phát hiện và trục vớt đã được đưa về Bảo tàng Bình Định bảo quản. 

Súng thần công dài nhất được vớt trên đầm Thị Nại.
Súng thần công dài nhất được vớt trên đầm Thị Nại.

Trước đó, ngày 1/10, Khi nạo vét luồng lạch ra vào Cảng Quy Nhơn trên đầm Thị Nại, một nhóm công nhân kể trên đã vớt được 3 khẩu súng thần công. Khẩu thần công lớn nhất bằng đồng, dài 2,7m, đường kính nòng 0,25m, đường kính thân 0,35m. Khẩu súng này vẫn còn tương đối mới, chỉ bị rỉ sét phần đai và một ít ở phần thân, trên đai và thân có hoa văn rất tinh xảo. 

Hai khẩu còn lại ngắn hơn, được đúc bằng đồng và gang dài khoảng 2,5m, đường kính nòng 0,25m, đường kính thân 0,39m. Một khẩu đã rỉ sét, thân bám đầy vỏ sò, ốc và một ít gỗ thân tàu.

Tiếp đó chiều ngày 4/10, những công nhân trên tiếp tục phát hiện và trục vớt thêm một khẩu thần công trên đầm Thị Nại có kích thước tương tự khẩu lớn nhất được trục vớt đầu tiên vào sáng sớm 1-10. Ngoài khẩu thần công, còn trục vớt được một số thanh gỗ thân tàu kích thước 3,8m x 0,4m.

4 súng thần công được đưa về Bảo tàng Bình Định bảo quản.
4 súng thần công được đưa về Bảo tàng Bình Định bảo quản.

Tiến sỹ Đinh Bá Hòa- Giám đốc Bảo tàng Bình Định khẳng định đây là những khẩu thần công có từ thời Tây Sơn và đã bị chìm cùng các tàu chiến trong trận thủy chiến tại đầm Thị Nại vào năm 1801 giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh.

Cũng theo ông Hòa sẽ đề xuất lên sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bình này xem xét có hình thức khen thưởng đội ngũ công nhân nói trên.

Tin và ảnh: Minh Khoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ