Trực tuyến văn hóa thời Lý – Trần qua nền tảng Zoom

GD&TĐ - Từ ngày 12/9, Câu lạc bộ tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức chương trình tham quan miễn phí, với chủ đề “Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần”.

Tham quan trực tuyến trên nền tảng Zoom với không gian 3D kết hợp âm thanh khá sinh động.
Tham quan trực tuyến trên nền tảng Zoom với không gian 3D kết hợp âm thanh khá sinh động.

Chương trình được tổ chức dưới hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của công chúng. Đặc biệt phù hợp với xu thế giữ nguyên giá trị trong việc lan tỏa, truyền đạt kiến thức lịch sử tới công chúng trong thời điểm dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.

Tín hiệu vui về lịch sử

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nhận định: “Nước Nam ở hai triều Lý, Trần nổi tiếng là văn minh”. Điều đó nói lên, cùng với sự lớn mạnh về chính trị và kinh tế, các vương triều Lý, Trần đã chứng kiến một sự phát triển rực rỡ về văn hóa, một giai đoạn thịnh đạt của nền văn hóa Đại Việt.

Đây là những thế kỷ phục hưng của nền văn hóa Việt cổ bản địa (văn minh Văn Lang – Âu Lạc) trên nền tảng của sự khôi phục độc lập dân tộc và giữ vững chủ quyền quốc gia, thông qua các cuộc kháng chiến của Đại Việt chống Tống - Nguyên thắng lợi.

Vị thế độc lập về chính trị dẫn đến ý thức độc lập về văn hóa. Cùng với sự phục hưng, văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần đã trở nên phong phú và phát triển ở một tầm cao mới qua một quá trình tiếp biến và tích hợp văn hóa.

Đến với chương trình, công chúng sẽ có cơ hội tham quan khu trưng bày của bảo tàng qua phần mềm 3D sinh động cùng những chương trình trải nghiệm hấp dẫn. Những hiện vật cùng hệ thống khảo cổ sẽ giúp nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển và tầm ảnh hưởng của triều đại Lý - Trần trong lịch sử dân tộc.

Đây là chương trình thử nghiệm đầu tiên tham quan bảo tàng trực tuyến (tourday online) do Câu lạc bộ tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện.

Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khi thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, sau chưa đầy 24 giờ mở link đăng ký, bảo tàng đã đón nhận sự quan tâm của đông đảo công chúng và vượt số lượng đăng ký cho tour tham quan đầu tiên. Do đó, đường link đăng ký đã tự động đóng lại.

Đây là tín hiệu đáng mừng, không chỉ với ngành bảo tàng bởi sức hút văn hóa – lịch sử vẫn luôn được quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tất cả các bảo tàng đều phải đóng cửa đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động văn hóa cũng như tài chính. Tuy vậy, xác định ý nghĩa giáo dục lịch sử, lan tỏa văn hóa tới đông đảo công chúng nên các bảo tàng đầu tư nền tảng công nghệ, đổi mới cách thu hút khách tham quan.

Trước khi thực hiện một chương trình triển lãm, trưng bày trực tuyến, các chuyên gia đã phải hệ thống và số hóa hiện vật một cách rõ nét cụ thể nhất. Tham quan trực tuyến khác xa với trực tiếp, thế nên những chỉ dẫn lẫn thuyết minh đều được chú ý nhằm chuyển tải tới khách tham quan một cách dễ hiểu và toàn diện nhất.

Đa dạng cách tiếp cận

Đại diện Câu lạc bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, trước những thách thức đặt ra trong thời kỳ dịch bệnh, bảo tàng đang linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp hiệu quả, phù hợp với xu thế để “giữ nguyên giá trị trong việc lan tỏa, truyền đạt kiến thức lịch sử tới mọi người, trong mọi hoàn cảnh”.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong thời gian qua, các chương trình giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ học đường được chú trọng. Hàng loạt chương trình như tham quan ngoại khóa, khai thác, sử dụng tài liệu hiện vật vào bài học chính khóa; sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”… thu hút đông đảo giới học sinh, sinh viên.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, để đảm bảo hoạt động được duy trì liên tục, bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học online thông qua ứng dụng Zoom. Với cách thức này, cho dù ở đâu, giới trẻ chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng là có thể tham gia lớp học.

Lần tham quan trực tuyến này với chủ đề “Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần”, các chuyên gia đã hệ thống đa dạng các hiện vât. Về gốm có men ngọc, men ngà, men nâu, hoa nâu... với nhiều loại hình phong phú.

Đặc biệt là bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt thạp, ấm, đĩa, bình, bát... với hoa văn trang trí hoa sen, cúc dây, hình rồng, phượng, sóng nước, chim, thú, chiến binh được áp dụng kỹ thuật khắc chìm, chạm nổi tạo nên các tác phẩm tuyệt mỹ.

Triều Lý được bắt đầu từ khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi tháng 10 âm lịch năm 1009 và kết thúc năm 1225, trải qua 9 đời vua. Sau khi Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, triều Trần được lập nên bắt đầu năm 1225 kéo dài đến năm 1400, trải qua 13 đời vua.

Công cuộc giữ nước của quân dân Đại Việt thời Lý - Trần được thể hiện qua chiến công vang dội của cuộc kháng chiến chống Tống (1077) và 3 lần đại thắng quân Nguyên – Mông, trở thành niềm tự hào về truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Lý - Trần là hai triều đại tồn tại dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và phát triển hưng thịnh trên mọi lĩnh vực. Trong đó Phật giáo được coi là Quốc giáo, đồng thời trở thành đặc trưng văn hóa thời kỳ này.

Chính vì vậy, chủ đề văn hóa Đại Việt vô cùng đa dạng, thu hút đông đảo giới trẻ đăng ký tham gia tìm hiểu. Đây cũng là cơ hội để ngành bảo tàng nói riêng và giới nghiên cứu lịch sử nói chung giao lưu về cách thức truyền tải hoạt động mùa dịch, và chiêm ngắm các hiện vật đại diện cho văn hóa rực rỡ thời Lý – Trần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.