Ngày 18/5 được chọn là Ngày quốc tế bảo tàng, với phương châm: Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc, nâng cao nhận thức công chúng về vai trò bảo tàng trong sự phát triển xã hội.
Nhằm không ngừng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo tàng. Từ năm 1992, Tổ chức Bảo tàng quốc tế (ICOM) quyết định hàng năm chọn một chủ đề cụ thể để các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động.
Năm nay, ICOM lựa chọn chủ đề “Tương lai của bảo tàng - Khôi phục và tái định hình”. Theo đó, các bảo tàng, đối tác trong lĩnh vực bảo tàng và di sản văn hóa cùng tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức mới để tạo ra giá trị cho di sản văn hóa.
Nhiều bảo tàng ở những nước mà dịch bệnh hoành hành phải đóng cửa vô thời hạn, nhiều bảo tàng đóng cửa tạm thời theo mùa vụ.
Tuy nhiên khi dịch bệnh qua đi, bảo tàng mở cửa trở lại vẫn rất ít khách đến tham quan. Một phần bởi điều kiện kinh tế sau dịch bệnh, phần lớn hơn do sự nghèo nàn lạc hậu từ chính các bảo tàng. Từ thực tế đó, ngành bảo tảng phải thay đổi để thích ứng, đổi mới cách thức trưng bày để thu hút khách tham quan online.
Việc chuyển đổi từ truyền thống sang bảo tàng số là bước tiến quan trọng. Nhiều bảo tàng trên thế giới đã sớm số hóa hiện vật, xây dựng phim kỹ thuật số. Tại Việt Nam, phòng trưng bày ảo trên mạng không xa lạ gì với công chúng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Từ năm 2013, bảo tàng này đã trưng bày số hóa chuyên đề về di sản Phật giáo, đèn cổ. Theo các mũi tên, người xem có thể di chuyển trong không gian đó, ngắm những hiện vật lịch sử đã được quét 3D với đủ các thông tin khảo cổ.
Dù số hóa hiện vật thu hút đông đảo công chúng, là hướng đi cần thiết của ngành bảo tàng, nhưng lại không hề đơn giản. Để số hóa 20 hiện vật, bảo tàng phải mất cả năm trời tư liệu hóa, cập nhật thêm tất cả các đánh giá, quan điểm từ các chuyên gia.
Chỉ số hóa thôi là chưa đủ, bởi hiện vật được số hóa phải có hiệu ứng thị giác tốt, dựa trên thông tin khoa học phong phú. Thậm chí, bảo tàng phải có những đoạn phim phỏng dựng về quá khứ, như mới đây Viện Nghiên cứu kinh thành đã dựng lại cung điện thời Lý.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo giao Hội đồng Di sản quốc gia nghiên cứu, đề xuất phương án “trưng bày bảo tàng bằng công nghệ số hóa, trước mắt thí điểm đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia”.
Như vậy, tương lai không xa, người dân có thể chiêm ngắm tất cả các hiện vật và câu chuyện thú vị liên quan đến khảo cổ.
Tuy nhiên để số hóa thành công, các bảo tàng phải lo liệu vấn đề nhân lực liên quan đến công nghệ, chuyên gia xây dựng kịch bản tái hiện khảo cổ, đội ngũ quay và dựng phim - mà điều nay, hầu hết các bảo tàng nước ta đều rất yếu và thiếu.