Phụ huynh "sốc" vì khoản thu đầu năm
Theo phản ánh của chị N.T.H - phụ huynh Trường Tiểu học Trực Thái, nhà trường đã huy động mỗi học sinh đóng 450 nghìn đồng để làm lối đi ra nhà vệ sinh. Do cảm thấy không hợp lý nên đến nay chị vẫn chưa đóng cho cô giáo chủ nhiệm.
Chị H. cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh gây ảnh hưởng kinh tế tới nhiều gia đình. Vợ chồng chị vốn là lao động tự do, công việc bấp bênh nên thu nhập bị giảm rõ rệt. Ngoài tiền nước uống, kỹ năng sống... giờ phụ huynh lại phải đóng thêm khoản này thực sự là cả một nỗi lo.
Chị N.T.N - cũng có con học tại trường - cho biết thêm, ngoài tiền làm lối ra nhà vệ sinh còn khoản cho sổ liên lạc điện tử (70.000 đồng/học sinh/năm). Chị N còn khẳng định, việc cô giáo trao đổi hay giao bài tập cho các em qua các kênh như nhóm Zalo, Facebook hoặc email đang rất hiệu quả.
Đăng ký sổ liên lạc điện tử không những tốn tiền mà còn gây phiền phức thêm cho phụ huynh khi phải đọc những tin nhắn không dấu, dịch mãi mới luận ra từ nhà trường gửi về.
"Cho con đi học sẽ rất tốn, chúng tôi biết điều đó. Nhưng đóng khoản gì, như thế nào nhà trường phải làm đúng quy định chứ không thể bắt ép khi mà đời sống người dân còn đang khó khăn vì dịch bệnh kéo dài như thời gian này được. Nếu huy động tiền xã hội hóa thì phải dựa theo tính tự nguyện chứ không thể cào bằng, làm như thế là sai nên tôi rất mong nhà trường xem xét lại việc này", chị N. bày tỏ.
Tiếp nhận những phản ánh này của phụ huynh, cô Đỗ Thị Tuyết Mai - hiệu trưởng Trường Tiểu học Trực Thái cho biết:
Sổ liên lạc điện tử là một trong các công cụ để phục vụ việc quản lý học sinh trong nhà trường. Không ít phụ huynh hiểu rằng, ứng dụng đó chỉ bao gồm một số tin nhắn. Thực chất, việc quản lý kết quả học tập, sức khỏe, chuyên cần của học sinh được tích hợp trên nhiều ứng dụng khác nhau nên rất thuận tiện. Trong hai năm qua, trường sử dụng ứng dụng Edu của Vinaphone, mức phí là 70.000 đồng/em/năm, tương đương mỗi tháng là 7.000 đồng.
Khi triển khai nội dung này, nhà trường đã thông qua các bậc phụ huynh và đa số đồng thuận. Khi áp dụng phương thức này đã giúp giáo viên giảm tải được rất nhiều giấy tờ vì mọi thông số về sức khỏe, chuyên cần hay kết quả học tập của học sinh đều được tích hợp vào ứng dụng trên.
Mỗi học sinh phải đóng bao nhiêu?
Về thông tin liên quan đến huy động phụ huynh đóng 450 nghìn đồng/học sinh để làm lối đi ra nhà vệ sinh, vị nữ hiệu trưởng khẳng định, việc này là hoàn toàn không có và không phải chủ trương của nhà trường.
Cô Tuyết Mai cho hay, một số hạng mục của trường như dãy phòng học đã được xây dựng từ cách đây gần 30 năm. Thời điểm đó, các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh nằm cách xa khu phòng học chứ không khép kín như hiện nay. Hiện tại, toàn trường có 18 phòng học cùng một số phòng chức năng với hơn 600 học sinh.
Địa phương cũng có dự án xây dựng nhà đa năng cho trường. Tuy nhiên, trường lại nằm ngay sát một hồ nước lớn nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, trường có một vài học sinh thể tăng động học hòa nhập nên phải để mắt thường xuyên. Trong dự toán năm học này, nhà trường có dự định kè lại bờ hồ đoạn giáp ranh với trường và làm lan can cao 1,2m để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Về vấn đề nhà vệ sinh, do ở khoảng cách xa nên nhà trường cũng có ý kiến với phụ huynh cùng chung tay đóng góp để lắp đặt mái tôn cho các em đi khỏi bị mưa nắng. Theo dự toán ban đầu, cả kè bờ hồ và làm mái che ra nhà vệ sinh, chi phí khoảng 260 triệu đồng.
"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để xin ý kiến của lãnh đạo địa phương, Phòng GD&ĐT và các bậc phụ huynh. Khi họp với ban phụ huynh, đa số đều nhất trí quan điểm nên làm vì sự an toàn của học sinh. Trong bối cảnh ngân sách địa phương còn eo hẹp, việc huy động các nguồn lực khác nhau để làm cũng là hợp lý. Trong cuộc họp đó, có một vị phụ huynh nói rằng nếu mỗi người đóng góp từ 450 nghìn đồng thì khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch.
Thực hiện theo Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, chúng tôi luôn quán triệt tới toàn bộ giáo viên chủ nhiệm các lớp không đưa ra mức vận động bình quân và phải trên tinh thần tự nguyện. Ai đóng góp bao nhiêu là tùy tâm.
Do đó, hoàn toàn không có việc nhà trường bắt phụ huynh đóng 450 nghìn đồng/học sinh để làm mái che ra nhà vệ sinh. Thực tế cho thấy, vẫn có phụ huynh ủng hộ 20 nghìn đồng, 50 nghìn đồng và chúng tôi đều rất trân trọng dù nhiều hay ít", cô Mai khẳng định.
Theo cô Mai, qua sự việc này, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Trực Thái cùng tập thể giáo viên cần làm tốt hơn nữa trong việc thông tin tới phụ huynh, tránh sự hiểu lầm không đáng có.
Hiện tại, nhà trường thỏa thuận với phụ huynh thu hai khoản là tiền nước (8.000 đồng/tháng/học sinh) và vệ sinh trường lớp (18 nghìn đồng/tháng/học sinh) theo tinh thần Nghị quyết 17/HĐND và hướng dẫn số 1291/Sở GD&ĐT về việc hướng các khoản thu năm học 2021-2022.
Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí.
Không tiếp nhận các hiện vật không đáp ứng mục đích sử dụng trong cơ sở giáo dục, hiện vật độc hại, nguy hiểm đối với môi trường, sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học.
Khuyến khích các nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục theo sự thỏa thuận và hướng dẫn của cơ sở giáo dục.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục.