Trong sáng lao xao chiếc lá thuở học trò

GD&TĐ - Có lẽ Chiếc lá đầu tiên cũng là tiếng lòng của tất cả chúng ta luôn hướng về một thời hoa niên mơ mộng, nơi khởi đầu cho tình yêu đi qua và bất tử trước thời gian.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Chiếc lá đầu tiên

Em thấy không tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu

Bài hát đầu xin hát về trường cũ

Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ

Sân trường đêm. Rụng xuống trái bàng đêm

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em

Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ

Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế

Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi

- “Có một nàng Bạch Tuyết, các bạn ơi,

Với lại bảy chú lùn rất quấy”

- “Mười chú chứ! Nhìn xem trong lớp ấy”

(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao)

Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào

Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy

Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy

Trên trán thầy tóc chớ bạc thêm!

Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên

Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng trên bàn ghế cũ

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ

Hoa đã vàng hoa mướp của ta ơi!

Em đã yêu anh, anh đã xa vời

Cây bàng hò hẹn chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên.

HOÀNG NHUẬN CẦM

Mỗi lần hè sang, khi hoa phượng thắp lên đỏ một góc trời và tiếng ve ngân nga đánh thức một vùng kỷ niệm, không hiểu sao ký ức tôi lại chấp chới hiện lên những câu thơ giàu nhạc tính, tràn ngập âm thanh và sắc màu trong thi phẩm Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm - một nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước với một hồn thơ trẻ trung, tha thiết yêu đời.

Chiếc lá đầu tiên là bài thơ đằm sâu chất trữ tình hướng về kỷ niệm một thời học trò nhiều ước mơ lãng mạn. Vì thế, không gian và thời gian nghệ thuật trong thi phẩm cũng tản mạn và được cảm xúc tác giả lóe sáng với những khoảnh khắc đầy bất chợt. Đó là vẻ đẹp thánh thiện, thiêng liêng của tình yêu đầu đời ngà ngọc.

Đó là những trò chơi tinh nghịch vô tư của tuổi dại khờ. Đó là nỗi nhớ nhung, lưu luyến buổi xa trường, xa bạn. Đó là nỗi niềm xa xót khi nhìn mái tóc thầy bạc trắng.

Tất cả cảm xúc ấy cứ trong ngần, biếc xanh như chiếc lá buổi đầu tiên nơi sân trường kỷ niệm - một cảm xúc đong đầy, tha thiết, nhờ thế tiếng thơ vỡ ra dễ làm lòng ta rung cảm, bâng khuâng.

* * *

Người ta thường nói, thơ Hoàng Nhuận Cầm trong sáng hồn nhiên như chính tâm hồn của người lính trẻ ấy khi mới vào quân ngũ. Nghe “tiếng thở của thời gian rất khẽ” khi cảm nhận “tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế” và hình ảnh hoa súng tím vào trong mắt mê say trong mùa tựu trường xưa cũ đã khiến nhà thơ bồi hồi xúc động.

Hai khổ thơ đầu, theo lời tác giả, đã được viết rất nhanh, dường như chỉ cơ hồ ghi lại cảm xúc, một cảm xúc thật đẹp được thăng hoa trong sự tiếc nuối ngỡ ngàng: “Em thấy không tất cả đã xa rồi/Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”.

Một chùm hoa phượng, một tiếng ve trong veo là dấu hiệu đầu tiên của mùa hè xa cách. Mùa hè ấy được đánh thức qua lời “con ve tiên tri” báo trước nỗi rung động đầu đời thật đẹp và thánh thiện của đôi lứa yêu nhau. Hình ảnh thơ ở khổ thứ hai nhờ thế trong sáng đến diệu kỳ.

“Tiếng ve trong veo” là cách biểu đạt giàu ấn tượng qua cái nhìn trong sáng và hồn nhiên của Hoàng Nhuận Cầm trước buổi xa trường, xa lớp: “Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo trước/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”.

Mạch cảm xúc bài thơ đến đây đã đạt đến đỉnh điểm của sự bâng khuâng, tiếc nuối. Quả vậy, Hoàng Nhuận Cầm đã rất “vô tâm” như tiếng ve kia cứ hồn nhiên báo trước để rồi hồn nhiên “muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu” trước nỗi niềm nhớ thương của quá khứ êm đềm luyến lưu kỷ niệm.

Hình ảnh lớp học “bâng khuâng màu xanh rủ” hiện lên thật mơ mộng và lãng mạn. Đó là vẻ đẹp của ký ức nhắc nhớ mênh mang trong nỗi niềm hoài tưởng: “Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em/ Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ/ Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế/ Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi.”.

Đọc khổ thơ trên đây, người đọc bắt gặp một chút gì rất phi lí, trẻ con trong cách diễn đạt của Hoàng Nhuận Cầm. Khác với thơ của nhiều tác giả khác viết về tình yêu học trò thường sâu lắng, đắm say trong tình yêu: “Hôm nay phượng nở huy hoàng/ Nhưng tình hai đứa lỡ làng duyên nhau” (Nhất Tuấn), tác giả Chiếc lá đầu tiên lại đi sâu khắc họa cái tâm lí ngây ngô giữa anh và em, ở đó có một chút gì thật lơ đễnh.

Anh nhớ em đầu tiên khi xa lớp xa trường, em lại dành nỗi nhớ trong tim hướng về người mẹ. Rồi tình bạn tan hòa trong đó, vậy mà cứ bâng khuâng, day dứt nỗi niềm. Điệp từ “nỗi nhớ” một lần nữa nhấn mạnh tình cảm chân thành, tha thiết của nhà thơ trong buổi xa trường, luyến lưu kỷ niệm pha chút tiếc nuối bâng khuâng.

* * *

Cái hay của bài thơ Chiếc lá đầu tiên là trong ký ức hoài niệm có cả lời đối thoại được nhà thơ tái hiện thật sống động. Câu chuyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được sắm vai từ bạn bè trong lớp. Chắc là họ đoàn kết và yêu thương nhau lắm nên lúc nào lớp học cũng trong sáng lao xao bởi những nụ cười hồn nhiên, ngộ nghĩnh.

Những nụ cười ấy đã đi theo nhà thơ vào chiến trận để rồi mỗi khi nhớ về lại day dứt khôn nguôi. Phải nói, chính hồn thơ rất sáng trong và hồn hậu ấy mới có thể giúp Hoàng Nhuận Cầm có được những câu thơ thật đẹp soi bóng quá khứ thần tiên lấp lánh sắc phượng hồng thắm đỏ và tiếng ve thơ dại học trò.

Một lớp học thần tiên và lãng mạn dường kia đến lúc cũng phải lùi xa vào dĩ vãng để lại trong trái tim cậu học trò bé bỏng giàu cảm xúc yêu thương nhiều tiếc nuối ngẩn ngơ và đầy xúc động: “Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào/ Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy/ Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy/ Trên trán thầy tóc chớ bạc thêm!”.

Mùa hoa mơ của ánh xuân hồng rồi sẽ đi qua khi cánh phượng sang hè cháy lên nỗi nhớ. Thời gian nghệ thuật âm thầm nấp bóng vào trong kỷ niệm, vì thế kỷ niệm đẹp và hồn nhiên đến mấy rồi cũng có lúc phai phôi.

Người con gái bím tóc trắng ngủ quên, thằng con trai tinh nghịch khắc dao lăng nhăng trên bàn ghế cũ cứ ám ảnh mãi trong ký ức nhà thơ: “Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên/ Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng trên bàn ghế cũ/ Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ/ Hoa đã vàng hoa mướp của ta ơi!”

Từ chiếc lá trên sân trường buổi đầu tiên hội ngộ đến khoảnh khắc chia xa giữa anh và em khi tiếng ve báo hiệu hè về là một khoảng cách thời gian đầy kỷ niệm. Có tình yêu chan hòa trong tình bè bạn.

Có nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ mẹ, nhớ thầy đồng hiện thiêng liêng, nên tất cả cứ ôm ấp, miên man tâm khảm. Một sự bâng khuâng khi anh nhận ra em yêu anh cũng là lúc anh đã xa rời và bước chân vào cuộc trường chinh cứu nước. Hóa ra cái chung và cái riêng, tình yêu đôi lứa của tuổi học trò đã hòa chung trong tình yêu Tổ quốc.

Chiếc lá đầu tiên không còn nữa trên sân trường thực tại, nhưng nó sẽ bất tử trong lòng người, trong nỗi nhớ của anh và em về cội nguồn, về những gì trân quý nhất giữa cuộc sống này: “Em đã yêu anh, anh đã xa vời/ Cây bàng hò hẹn chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên”.

* * *

Chiếc lá đầu tiên là một bài thơ hay viết về tình yêu tuổi học trò với những rung động đầu đời thật đáng yêu và dạt dào cảm xúc. Hình tượng thơ giàu sắc thái biểu cảm, chất nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ, mê đắm, nhờ đó thi phẩm đã được nhiều thế hệ độc giả thuộc nằm lòng và chia sẻ qua thời gian.

Tôi nghĩ, viết về kỷ niệm thần tiên tuổi ngọc, chỉ cần một bài thơ như thế đủ đã xứng danh, neo giữ giữa lòng người qua tháng năm dâu bể thăng trầm. Giờ thì Hoàng Nhuận Cầm đã đi xa vào cõi huyền không vô tận, nhưng “chiếc lá đầu tiên” của đời thơ ông vẫn mãi xanh rờn kỷ niệm, trong sáng lao xao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ