Phượng không phải là cây dễ đổ
Thông tin từ Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cho biết, sáng 26/5, tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM), một cây cổ thụ bật gốc đè nhóm học sinh tại sân trường. Tai nạn khiến nhiều học sinh bị thương. Sau vụ tai nạn, Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện quận 3, Bệnh viện ITO Phú Nhuận, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cùng tham gia vận chuyển các trường hợp gặp nạn đến cơ sở y tế.
Một trường hợp nặng, ngưng tim, ngưng thở được chuyển vào Bệnh viện An Sinh. BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM thông tin học sinh này không may đã tử vong. Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, các bác sĩ cũng tiếp nhận 8 trường hợp liên quan vụ tai nạn. Trong đó, 3 trường hợp nặng, 5 học sinh bị thương nhẹ.
Trường THCS Bạch Đằng nằm trong hẻm 386 Lê Văn Sỹ. 6 giờ 15 phút, sân trường khá đông học sinh. Cây phượng vĩ cao hơn 10 mét, thân to hai người ôm, phía bên phải sân trường bất ngờ bật gốc, đè trúng nhóm học sinh. Một người dân sống cạnh trường từ năm 1954 cho biết, cây phượng có từ hơn 50 năm trước. TPHCM có trận mưa lớn chiều tối 25/5, tập trung ở khu vực trung tâm - nhất là quận 1, 3, 5, 10 và kéo dài hơn hai giờ. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đánh giá đây là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm.
Vụ việc khiến nhiều người đặt câu hỏi, cây phượng có phải là loại cây dễ bị gãy đổ, nguy hiểm khi trồng trong sân trường? Lý giải điều này, PGS.TS Trần Hợp, nguyên giảng viên Khoa Sinh học, Trường ĐH KHTN, ĐHQG TPHCM cho rằng, phượng là loài cây rất phù hợp trồng trong sân trường do có bóng mát quanh năm, mùa hè lại cho hoa rất đẹp.
Việc cây phượng có dễ bị gãy đổ hay không là do kỹ thuật trồng chứ không phải do giống cây. Loài phượng được trồng rất nhiều từ hàng thế kỷ trước, có những cây cổ thụ rất to và đẹp, hệ rễ sâu, bám chắc nên ít có chuyện bật gốc. Chỉ có nhược điểm là cành phượng giòn, dễ bị gãy khi có gió to.
“Có một thực tế là hiện nay người ta trồng cây, đặc biệt là cây cổ thụ, rất cẩu thả. Để dễ vận chuyển, người ta chặt hết rễ đi. Rễ cọc cũng chặt sát tận gốc, làm cho cây không còn khả năng bám vào đất, chỉ cần có gió bão là đổ. Hoặc cây cổ thụ lâu năm, già cỗi, rễ bị hỏng mà không được kiểm tra cũng dễ gẫy đổ. Trường hợp này có thể kết luận do cây trồng đã quá lâu năm mà không được kiểm tra định kỳ, rễ đã bị thối, không còn bám chắc vào đất đẫn đến gãy đổ”, PGS.TS Trần Hợp cho hay.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa, cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đồng quan điểm cho rằng, cây phượng là loài phù hợp trồng ở sân trường. Cây cho tán mát, hoa đẹp, chỉ có điều lá nhỏ, dễ làm tắc cống nước chảy nên người ta hạn chế trồng ở ngoài đường. Cây phượng được trồng từ hạt thì gần như không có khả năng bật gốc khi mưa bão. Ngược lại cây to được vận chuyển, ươm, khi trồng vào nơi không có đất phù sa hay đất thịt mà lại chỉ toàn đất cát, thì dễ bị bật gốc.
Siêu âm để biết rễ nông hay sâu
PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, khi chọn cây để trồng làm cảnh quan thì phải chú ý chọn loại cây phù hợp với điều kiện sinh thái, tầng đất, phong cảnh, các yếu tố môi trường. Để cây không gãy đổ thì phải trồng đúng kỹ thuật, nơi có tầng đất sâu ít nhất từ 1 - 2m, rộng khoảng 3 - 4m. Nếu đó là công trình xây dựng chỉ có cát thì phải đổ đất phù sa, đất thịt vào hố trước khi trồng. Không trồng cây trong các ô quá nhỏ, không có đất để rễ có thể bám. Không nên trồng cây quá to vì loại cây này đã bị cắt hết rễ, không an toàn, nhưng cũng không nên trồng loại cây quá nhỏ, khó chăm sóc, bảo vệ. Chọn loại cây vừa phải, giữ nguyên rễ cọc của cây để chúng có thể bám sâu vào đất.
Trường hợp quan sát thấy một cây lâu năm, cây cổ thụ mà bỗng nhiên rụng nhiều lá, còi cọc, lá vàng, cành yếu… thì phải kiểm tra thân cây xem bị sâu đục, rễ cây xem chúng có còn phát triển bình thường không để tiến hành các biện pháp gia cố, chằng buộc chắc chắn, tránh cây đổ.
PGS.TS Trần Hợp cho biết, một số loài cây sống ở vùng đất khô thì rễ cây thường nông, hay bị gãy đổ. Đối với tất cả các loại cây có tuổi đời lâu năm, đặc biệt là cây trên 30 năm tuổi cần phải tiến hành khảo sát đánh giá rễ cây bằng cách khoan, siêu âm kiểm tra. Đo rễ, tìm hiểu xem có bị thối rễ không, cây có bệnh gì không. Công nghệ kiểm tra này khá đơn giản, có thể cho ra ngay kết quả là rễ cây có đang bám chắc không, có cần phải gia cố gì cho cây hay không. Ở các trường đại học có nghiên cứu về sinh học, cây cảnh… đều có thể thực hiện phương pháp siêu âm rễ cây này.