Thành công từ giống na mới
Ông Năm là người đầu tiên trồng và lai tạo giống na này tại vùng đất Châu Thành (Đồng Tháp) và tạo dựng được thương hiệu riêng được nhiều người biết đến. Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghề nông nên khi lớn lên ông cũng chọn nông nghiệp để làm giàu.
Năm 2013, ông Năm chuyển vườn kém hiệu quả sang trồng ổi nữ hoàng. Khi đó, do đây là giống ổi ngon nhất so với các giống ổi thông thường nên được thị trường rất ưa chuộng. Tình cờ, trong một lần thuê mướn một thợ ghép về chiết nhánh ổi, ông biết được thông tin tại Bến Tre xuất hiện giống na “khủng”. Ngay lập tức ông cất công lên tận nơi để tìm hiểu và biết được đây là giống na da vàng hoàng hậu, xuất xứ từ Thái Lan nên ông quyết định bỏ hết tiền túi để mua về trồng.
“Thời điểm đó cây giống na hoàng hậu đắt lắm, vàng lúc đó có 1,6 triệu/chỉ mà tôi bán hết 2 chỉ vàng nhưng đủ để mua 32 cây rồi thuê xe chở về vườn nhà trồng xen với gốc ổi nữ hoàng. Lúc đó nhiều người lắc đầu ngán ngẩm vì sự liều lĩnh của tôi, nhưng tôi đã quyết định rồi, phải làm cho tới cùng”, ông Năm cho biết.
Nhờ tìm tòi kinh nghiệm từ sách báo, ông áp dụng vào trồng giống cây này, chỉ sau 1 năm cây cho trái. Sau khi trái chín, ông hái xuống ăn thử, thấy ngon, ít hạt, trọng lượng gấp 3 - 4 lần các giống na thông thường nên ông quyết định phá bỏ vườn ổi để mua thêm 100 cây giống đem về trồng. Sau đó tiếp tục học hỏi kinh nghiệm để tự nhân giống. Hiện ông đã trồng hơn 2.000 cây trên tổng diện tích 2ha.
Theo ông Năm, loại cây này trồng khoảng 1,5 năm là cho trái, mỗi năm cho 2 vụ trái vào dịp mùng 5 tháng 5 và dịp Tết Nguyên đán. Cây từ lúc trổ bông đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng 10 ngày. Cây được trồng bằng phương pháp ghép cành. So với loại mãng cầu thông thường, cây na nữ hoàng có chiều cao tối đa 4m, tán rộng trong 2m. Lá bản to, dài, xanh đậm hơn so với giống na Việt Nam. Đặc biệt, trái có trọng lượng lớn gấp 3 - 4 lần so với trái na nội địa, đạt từ 500gr - 1kg/trái . Cá biệt có trái nặng tới 1,5kg.
Đặc tính của loại cây này còn nổi trội ở điểm có sức đề kháng rất mạnh nên hoàn toàn không bị sâu đục thân “tấn công”, ít rệp sáp, ít sâu đọt… Nhẹ công chăm sóc. Tuy nhiên, khi cây cho trái phải bao trái cẩn thận để trái tròn đều, đẹp… “Nếu trồng khoảng 100 cây, trong vòng 3 tháng đầu trừ tất cả chi phí phân thuốc chỉ tốn khoảng 200.000 đồng/100 cây/công 1.000m2”, ông Năm cho biết.
Cũng theo ông Năm, do ít hạt, vị thơm, ngon, ngọt thanh, hậu không chua, ăn day, ráo nước nên giống na nữ hoàng trái “khủng” này được thị trường ưa chuộng và có thể xuất khẩu vì các múi dính chặt vào nhau cả khi chín, dễ vận chuyển vì dù có chạm mạnh trái không bị vỡ ra.
Giống na này không thể chiết cành được nên để nhân giống ông Năm đem ghép cành. Trước hết phải chọn những cây mẹ có những đặc tính ưu việt như: trái to ít hạt, hạt nhỏ, độ đường cao, dễ vận chuyển (múi dính thành một khối) để cây giống “thừa hưởng” đầy đủ phẩm chất ưu việt.
Na “khủng” cho thu nhập “khủng”
Không chỉ to vượt trội, na nữ hoàng trái “khủng” còn có giá thu mua cao gấp 2 - 3 lần so với na nội địa. Hiện tại, loại na này được công ty bao tiêu thu mua với giá 80.000 đồng/kg (loại 1, từ 400gr trở lên,), 60.000 đồng/kg (loại 2, dưới 400gr) so với mức giá 40.000 - 50.000 đồng/kg của na thông thường. Khi đến tay người tiêu dùng, na nữ hoàng có giá lên đến vài trăm ngàn đồng/kg.
Để đáp ứng nhu cầu thu mua cây giống của nhà vườn, ông còn nhân giống để bán, mỗi năm xuất bán hơn 100.000 cây cho khắp tỉnh, thành trong cả nước với giá bán dao động từ 22.000 - 27.000 đồng/cây. Nhờ đó mỗi năm ông thu lãi hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm ông xuất bán hơn 3 tấn trái, thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Hiệu quả kinh tế của cây na hoàng hậu so với các giống cây khác vượt trội hơn vì nâng suất và giá thị trường cao. Ông Hồ Thanh Hiền (61 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: “Bản thân tôi là nông dân nên cũng tìm tòi những giống cây mới, lạ cho hiệu quả kinh tế cao. Vài tháng trước, tôi viết được giống na hoàng hậu trái hơn 1kg trở lên, cứ ngỡ người ta thổi phồng để bán cây giống.
Nhưng khi đến tận đây tìm hiểu, thấy trái ăn ngon, lớn trái nên tôi quyết định mua gần 100 giống về trồng thử nghiệm và thấy cây thích ứng khí hậu tại miền Nam rất tốt. Vì vậy, hôm nay tôi đến để tiếp tục mua vài chục cây giống về trồng”.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.