Trồng lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô

GD&TĐ - Dựa trên nền tảng công nghệ sinh học thực vật, các nhà khoa học đã nhân giống thành công nhiều giống lan Giả hạc quý.

Trồng lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô

Dựa trên nền tảng công nghệ sinh học thực vật, các nhà khoa học đã nhân giống thành công nhiều giống lan Giả hạc quý, có khả năng sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh.

Nhân giống loài lan có giá trị cao

KS Nguyễn Thị Sáu, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, lan Giả hạc (Dendrobium anosmum) còn được gọi lan Phi điệp hay lan Hoàng thảo, được rất nhiều người yêu thích. Trên thị trường, giá của một thân lan Giả hạc dao động khoảng 200 nghìn – 500 nghìn đồng, tùy theo độ dài của thân.

Đến nay, trên 750 chi với 35 nghìn loài lan tự nhiên đã được biết đến và hơn 75 nghìn giống lan được chọn lọc, lai tạo. Thời gian qua, dựa trên nền tảng công nghệ sinh học thực vật, các nhà khoa học đã nhân giống thành công nhiều giống lan Giả hạc quý, trong đó giống lan Giả hạc lai có khả năng sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, bông sai, bông to, bông lâu tàn, mùi thơm dễ chịu.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong sản xuất hoa lan, đặc biệt là khu vực phía Nam với thời tiết quanh năm ấm áp, cường độ ánh sáng lớn và độ dài chiếu sáng thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển. Tuy nhiên, thực tế tình hình sản xuất phong lan ở Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Một vài địa phương tiến hành trồng lan Giả hạc lai nhưng mới dừng ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ. Nghiên cứu về lan Giả hạc lai còn hạn chế. Bên cạnh đó, dù đã có nhiều nghiên cứu nhân giống “in vitro” tạo ra một số lượng lớn cây con, nhưng việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc cây con của phương pháp này từ giai đoạn vườn ươm đến khi ra cây thương phẩm vẫn chưa được thực hiện.

KS Nguyễn Thị Sáu và cộng sự nhận thấy, tại TPHCM, hoa lan vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng. Thực tế mới đáp ứng khoảng 25% - 30% nhu cầu tiêu thụ nội địa, còn lại là từ các tỉnh khác và từ nguồn nhập khẩu.

Nhóm nghiên cứu đã xác định giá thể, phân bón kích rễ, phân bón gốc và phân bón lá phù hợp cho cây lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô giai đoạn cây con trồng tại TPHCM; đưa ra một số biện pháp kỹ thuật cho quy trình trồng và chăm sóc cây con lan Giả hạc cấy mô trong vườn ươm. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu liên quan tới việc trồng và chăm sóc một số loại lan Giả hạc gieo hạt khác trong tương lai.

Cây lan Giả hạc nuôi cấy mô của nhóm nghiên cứu.

Cây lan Giả hạc nuôi cấy mô của nhóm nghiên cứu.

Tìm ra công thức tối ưu

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của nồng độ NAA (Naphthalene Acetic Acid (NAA) là chất điều hòa sinh trưởng thực vật tổng hợp) đến sinh trưởng cây lan Giả hạc giai đoạn cây con trồng tại TPHCM... KS Nguyễn Thị Sáu cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ NAA 60ppm là phù hợp với lan Giả hạc; công thức giá thể gồm 50% vỏ dừa chặt khúc + 50% than củi là phù hợp nhất với sinh trưởng của cây lan Giả hạc.

Về phân bón lá và phân bón gốc, kết quả thí nghiệm lựa chọn được công thức bón phân gồm phân dê liều lượng 5g/cây/3 tháng + phân chậm tan 15 – 15 – 15 liều lượng 2g/cây/3 tháng và phun phân bón lá (30 – 10 – 10 + TE) nồng độ 3g/L nước cho cây lan Giả hạc sinh trưởng phát triển tốt mà vẫn tiết kiệm được chi phí và bảo vệ môi trường.

Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng cây lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô giai đoạn cây con tại TPHCM với đầy đủ các bước thực hiện và các thông số kỹ thuật như chuẩn bị nhà ươm, chọn giống, chuẩn bị giá thể, chuẩn bị cây con, kỹ thuật ra cây con, chuẩn bị nhà lưới, trồng cây ra chậu, chăm sóc,… Quy trình có thể ứng dụng để trồng lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô tại TPHCM cho cây sinh trưởng tốt.

Theo KS Nguyễn Thị Sáu, Lan rừng Việt Nam có hơn 2.000 loài với rất nhiều loài đẹp và có triển vọng kinh doanh trong lĩnh vực thương mại. Hiện có 300 loài lan rừng Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm lan chọn lọc để sản xuất, nhân giống, cung cấp cho thị trường thế giới. Trong đó, Dendrobium là một trong 6 giống phong lan rừng phổ biến được mọi người ưa chuộng, mà đại diện là Denbrobium anosmum (lan Giả hạc).

Lan Giả hạc là loài lan rừng quý hiếm ở Việt Nam có nhiều trên dãy núi Trường Sơn từ Nam ra Bắc, đặc điểm của loài này là siêng hoa, hoa to, đẹp và có hương rất thơm. Tuy nhiên, lan Giả hạc rừng tự nhiên hiện nay rất khan hiếm do bị khai thác quá mức. Tại các phòng nuôi cấy mô trong nước ít có đề tài nghiên cứu về nhân giống lan Giả hạc.

Đồng thời, vấn đề tạo cây in vitro hoàn chỉnh và thuần dưỡng cây con sau giai đoạn vườn ươm đang còn gặp nhiều khó khăn. Dó đó, nguồn cây giống lan Giả hạc in vitro trong nước chưa cung cấp đủ nhu cầu thị trường nên giá thành cây lan giống còn khá cao. Nhóm nghiên cứu hy vọng thành công này sẽ mở ra thị trường lan Giả hạc mới với giá thành thấp.

Lan Giả hạc từng gây sốt thị trường với những giò đột biến 5 cánh trắng. Giữa năm 2018, giới chơi hoa lan kiểng rộ lên thông tin về một người ở Thừa Thiên - Huế bán giò lan đột biến cho khách hàng ở Hải Phòng, với giá 700 triệu đồng. Dư luận chưa hết xôn xao thì giới chơi lan càng bất ngờ hơn khi một số diễn đàn mạng xã hội phát trực tiếp cuộc giao dịch tiền tỷ. Đây là những loài lan Giả hạc đột biến khiến thị trường chao đảo suốt thời gian dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ