Đồng thời, Quốc hội thảo luận: Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) tham luận về công tác phòng chống dịch Covid-19, đại biểu đánh giá cao công tác phòng chống dịch thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, bài học chống dịch là một hành trình trường kỳ, khắc nghiệt. Bên cạnh các giải pháp quyết liệt về chuyên môn như truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, dập dịch, đòi hỏi toàn hệ thống phải đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân.
Theo đại biểu, để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc (kết nối cung - cầu, hỗ trợ ổn định cuộc sống, tạo sinh kế, đào tạo lại tay nghề, bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...).
Nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đồng thời đề xuất các giải pháp liên quan đến vấn đề “tam nông” như: Khắc phục tình trạng đất đai manh mún, phân tán, nhỏ lẻ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sản xuất quy mô lớn; sớm sửa đổi luật đất đai; quản lý giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào của sản xuất nông nghiệp; các giải pháp kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi giá trị để khắc phục "điệp khúc" được mùa mất giá;...
Cho rằng, chúng ta đã cơ bản kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề xuất một số giải pháp liên quan đến phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn bình thường mới như: hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch,...; đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm du lịch an toàn;...
Về lao động, việc làm, đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho người dân; đẩy mạnh triển khai chính sách đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động; tập trung kết nối cung cầu lao động; xây dựng các nhóm tương trợ, hỗ trợ người lao động; cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ; giải quyết việc làm cho người lao động tại quê nhà,...
Đại biểu nhấn mạnh "trong nguy luôn có cơ", trong khó khăn sẽ thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước để cả dân tộc đoàn kết cùng vượt qua thử thách khắc nghiệt trong giai đoạn này.
Đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề xuất các giải pháp: Đầu tư cho hệ thống dự phòng với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"; tăng đầu tư toàn xã hội bằng cách tăng vòng quay tiền; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo nguyên tắc phân cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch...