Trống hội rộn ràng đón Xuân

Trống hội rộn ràng đón Xuân

>>>Ngày Xuân đất nước vào Hội

Hội thi vượt đồi cát Mũi Né xuân Nhâm Thìn:

Sáng nay 26/1 (mùng 4 tết), Thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã tổ chức Hội thi chạy vượt đồi cát Mũi Né 2012. Đây là hoạt động truyền thống được tổ chức hằng năm .

Tham dự hội thi có hơn 200 vận động viên thuộc 23 đội, đến từ các đơn vị phường xã, lực lượng vũ trang và các trường THPT trên địa bàn. Có 3 nội dung thi đấu gồm: Nữ tuyển (cự ly 2.200m), Nam tuyển (5.100 m) và Nam phong trào (2.900 m).

Diễn ra trên đồi cát Mũi Né đầy thơ mộng, Hội thi đã thu hút đông đảo khán giả là người dân địa phương và khách du lịch đi chơi xuân ở Mũi Né đến xem và cổ nhiệt tình. Anh Trần Tiến Hưng (du khách Bình Dương) nói: “Lần đầu tiên ra Phan Thiết chơi, tôi được xem hội thi như thế này rất là hào hứng. Nhờ thế mà chuyến đi cũng rất vui.”

Hội thi thu hút rất đông người tham gia
Hội thi thu hút rất đông người tham gia, ảnh X.H
Mọi người thi đấu nhiệt tình, hết mình
Mọi người thi đấu nhiệt tình, hết mình, ảnh X.H

Cùng ngày 26/1, tại thôn Đồng Kỵ - phường Đồng Quang - thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), người dân Đồng Kỵ đã tưng bừng tổ chức Lễ hội rước Pháo truyền thống. Lễ rước Pháo đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ diễn ra từ mồng 4-6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

 

Hôm nay, mùng 4 Tết Nhâm Thìn, tại hai xã An Hải và An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức khai mạc Lễ hội đua thuyền truyền thống đầu năm.

Năm nay, vòng sơ khảo được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 7 Tết gồm 8 đội thuyền của 2 xã An Vĩnh và An Hải. Sau vòng sơ khảo sẽ chọn 4 thuyền đua xếp thứ hạng cao nhất của xã vào vòng chung kết do huyện tổ chức vào ngày mùng 8 Tết.

Lễ hội nhằm tri ân các vị thần linh, cầu quốc thái dân an, nông dân được mùa hành, tỏi; ngư dân đánh bắt dược nhiều hải sản.

 

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra từ 5 - 7 Tết Âm lịch, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là một nét đẹp của văn hóa dân tộc.

Theo sử sách ghi lại thì lễ hội này được bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ X ở Hà Nam. Mùa Xuân năm 987, lần đầu tiên, vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng. Từ đó, hàng năm vào đầu Xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ Tịch điền, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Về sau, các triều đại đều tiếp nối duy trì nghi lễ này với nhiều cách thức khác nhau.

 

Sau một thời gian dài biến động và bị gián đoạn, từ năm 2009, Lễ hội này đã được phục hồi lại. Hiện nay, Lễ hội Tịch điền bao gồm các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với những hoạt động văn hóa, văn nghệ như rước chân nhang vua Lê Đại Hành, lễ rước nước, lễ sái tịnh... Và quan trọng nhất là Lễ Tịch điền Đọi Sơn, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng với kinh đô Hoa Lư đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông nghiệp.

Chiều nay 26/1 (mùng 4 Tết Nhâm Thìn 2012) tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) quê hương của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ, UBND huyện Tây Sơn phối hợp với Sở Văn hóa – Thể Thao & Du lịch Bình Định đã tổ chức lễ kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2012).

 

Năm Nhâm Thìn này, Bảo tàng Quang Trung đã phối hợp UBND huyện Tây Sơn cùng Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bình Định đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT như: Triển lãm ảnh nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Chào xuân mới” trên quê hương Tây Sơn tam kiệt, các hoạt động tấu cồng chiêng, biểu diễn nhạc võ cổ truyền Tây Sơn đến các chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân của Trung tâm Văn hóa tỉnh; thi đấu võ đài …để phục vụ cho đông đảo nhân dân về tham dự lễ kỷ niệm.

Đông đảo du khách đến tham dự lễ hội
Đông đảo du khách đến tham dự lễ hội

Chiều 26/1, tức ngày mồng 4 Tết Nhâm Thìn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức khai mạc Hội Xuân Núi Bà năm 2012.

Lễ khai mạc diễn ra tưng bừng trong tiếng trống hội, các màn múa lân, múa rồng và các làn điệu dân ca truyền thống của đất phương Nam.

Ngoài các hoạt động du lịch tâm linh, Ban tổ chức Hội Xuân Núi Bà còn tổ chức nhiều hoạt động ca múa nhạc, chiếu phim, biểu diễn múa lân sư rồng và võ thuật, thể hiện đời sống văn hóa phong phú và tinh thần thượng võ của người dân phương Nam.

Việt Quốc - An Hải - Long Thành - Song Linh-Hằng Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ