'Trông gà hóa cuốc' là bệnh gì, điều trị thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi hoàng hôn buông xuống, gà nhảy lên chuồng, nhiều trẻ bắt đầu lơ ngơ như... gà mắc tóc, bước chân vào ra lấn qua, lấn quấn. Sự vật xung quanh phút chốc trở nên mơ hồ, sương khói tựa như lạc chốn Bồng Lai.

'Trông gà hóa cuốc' là bệnh gì, điều trị thế nào?

Đó là biểu hiện của người mắc bệnh... quáng gà. Trong thực tế, những đứa trẻ mắc bệnh này dễ trông gà hóa cuốc và thường bị bạn bè trêu chọc.

Cũng có những tình huống dở khóc dở cười như chuyện cậu học trò tan học về đến đầu xóm lúc trời nhá nhem tối đã lên tiếng “chào bác” một... chú bò!

Nguyên nhân và biểu hiện

Quáng gà là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy không là bệnh nguy hiểm chết người nhưng mang lại cho trẻ một cảm giác sợ hãi mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Trong bóng tối, trẻ mắc bệnh quáng gà rất khó hoạt động và di chuyển bởi vì hai mắt lúc này giống như đang bị... bịt lại. Sự vật và con người xung quanh không còn được nhìn thấy rõ ràng như khi trời sáng nữa.

Nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà ở trẻ nhỏ chủ yếu là thiếu vitamine A. Bệnh trước đây khá phổ biến do đời sống khó khăn, dinh dưỡng thiếu chất.

Thiếu vitamine A ngoài thiếu hụt từ nguồn cung cấp, còn do hấp thu kém vì chế độ ăn thiếu dầu mỡ. Vitamine A tan trong dầu mỡ. Cũng có thể do rối loạn hấp thu của ruột như bị tiêu chảy kéo dài, teo đường dẫn mật hay hội chứng kém hấp thu...

Xác định thiếu vitamine A bằng cách định lượng vitamine A trong máu, người mắc bệnh quáng gà thường giảm < 10 microgam. Hoặc định lượng RBP (Retinol Binding Protein), bình thường là 20 - 30 microgam. Bên cạnh đó các nhà chuyên môn sẽ cho thực hiện các test sáng - tối để xem độ thích nghi, đo thị trường và điện võng mạc.

Có những trẻ tuy không thiếu vitamine A, nhưng cũng gặp khó khăn khi nhìn trong bóng tối. Đó là do hiện tượng kém thích nghi khi thay đổi môi trường sáng và tối đột ngột.

Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường có thể gặp ở nhiều người. Hai mắt sẽ có sự điều tiết thích nghi trong bóng tối với một khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp, đừng vội kết luận là đã mắc bệnh quáng gà mà đâm ra lo lắng vô ích.

Hướng điều trị bệnh

Điều trị bệnh quáng gà do thiếu vitamine A bằng cách cho uống bổ sung ngay vitamine A với liều lượng như sau:

Ngày thứ nhất: Uống 200.000 UI (200.000 đơn vị quốc tế).

Ngày thứ hai: Uống tiếp 200.000 UI.

Các trường hợp thiếu vitamine A nghiêm trọng gây khô giác mạc thì phải dùng Retinal palmitate để tiêm.

Các teen bị quáng gà cũng phải xem lại chế độ ăn có bị làm cho thiếu hụt vitamine A hay không? Cần ăn nhiều trứng, gan cá hay động vật các loại, gấc, rau củ có màu đỏ như xoài, cà rốt, cà chua, rau dền... đều có chứa rất nhiều tiền chất của vitamine A.

Trẻ nhỏ cần được bú mẹ, nếu nuôi bằng các loại bột và sữa (không phải là sữa mẹ) thì cần bổ sung thêm dầu cá hoặc rau củ có màu để khi trẻ lớn không bị thiếu vitamine A và mắc bệnh quáng gà.

Hiện nay phòng chống thiếu vitamine A gây ra chứng quáng gà, khô mắt dẫn đến mù lòa là một trong những chiến dịch trọng điểm thuộc chương trình y tế quốc gia.

Hằng năm, trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 5 tuổi đều được uống bổ sung 2 đợt vitamine A vào dịp Quốc tế thiếu nhi (1/6) và đợt hai vào cuối tháng 12. Đây là chương trình được thực hiện miễn phí trên toàn quốc từ nhiều năm qua. Liều dùng được thực hiện trong chiến dịch phòng như sau:

Trẻ từ 6 đến < 12 tháng tuổi: Uống 100.000 UI vitamine A (1 viên)

Trẻ từ 12 đến 60 tháng: Uống 200.000 UI vitamine A (2 viên)

Ngoài ra, các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi cũng được uống 2 viên vitamine A (tương đương 200.000 UI) để bổ sung vitamine A cho trẻ qua sữa. Tuyệt đối, không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống vitamine A.

Cần lưu ý là vitamine A tích lũy lại trong cơ thể khi được đưa vào, chứ không thải bớt ra khi vượt quá nhu cầu của cơ thể như các loại vitamine khác. Do vậy sẽ có sự tồn đọng vitamine A trong cơ thể. Khi sự tồn đọng này đến một mức nào đó sẽ gây ra tai vạ.

Các dấu hiệu điển hình của thừa vitamine A là cảm giác khó chịu, buồn nôn, ngứa ngáy và rụng tóc. Do vậy việc sử dụng vitamine A cho dù để chữa bệnh quáng gà cũng cần có ý kiến của các nhà chuyên khoa về mắt và không được dùng quá liều chỉ định. Bởi bất cứ sự lạm dụng nào cũng đều mang lại rủi ro.

Lời khuyên

Để hạn chế những rủi ro do bệnh quáng gà gây ra, cần phải về nhà trước khi trời tối. Hạn chế tối đa việc tham gia các hoạt động trong bóng đêm, vì việc không nhìn thấy rõ ràng sự vật xung quanh có khi dẫn đến tai nạn. Và tất nhiên phải đi khám chuyên khoa mắt để nhận được một lời khuyên hay chỉ định điều trị cụ thể hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ