Khoảng 15% nội dung đề mức độ vận dụng cao, 20 % mức độ vận dụng, còn lại là mức độ nhận biết và thông hiểu. Đề có tính phân hóa, phân loại học sinh khá giỏi.
Phân tích đề để tìm lời giải
Khác với đề năm 2017, đề năm nay có 25% kiến thức lớp 11 và về cơ bản vẫn chủ yếu là kiến thức lớp 12.
Đề được sắp xếp từ dễ đến khó nên khi cầm đề học sinh có thể làm một lượt từ trên xuống dưới. Trong đó, khoảng 30 câu đầu ở mức độ thông hiểu và vận dụng học sinh trung bình cũng có thể làm gần hết được.
Còn những câu từ số 30 trở đi, độ phân hóa rất rõ, đòi hỏi học sinh phải học chắc kiến thức mới làm được.
Câu hỏi lý thuyết trong đề (câu 3, 4, 6, 15) bám sát nội dung sách giáo khoa lớp 12 (khoảng 74%) và lớp 11 (khoảng 26%), đều ở mức độ nhận biết, HS có thể nhận ngay được đáp án cần chọn. Tuy nhiên có một số câu dạng lạ, HS chưa gặp bao giờ như câu 42 và câu 50
Câu vận dụng nội dung tích phân rất sáng tạo và đa dạng về cách hỏi, yêu cầu học sinh phải tư duy. Các bài tập vận dụng khác còn mang nặng kiến thức hàn lâm, toán học thuần túy, chưa gắn liền với thực tiễn. Với các câu hỏi vận dụng đa dạng, có thể thuộc bất kỳ mảng kiến thức nào ở lớp 11 hoặc 12 thì GV và HS phải ôn tập kỹ, đủ và sâu.
Với đề thi này, học sinh có thể dễ dàng đạt 6 điểm. Từ câu 1 đến câu 30: Kiến thức rất cơ bản, nhiều câu có thể chỉ sử dụng máy tính để tìm đáp án; - Từ câu 31 – 40: Mức 6 - 8, đòi hỏi kỹ năng xử lý biến đổi bài tập tốt.
Từ mức độ 8 - 10 điểm, đan xen cả câu cơ bản và câu vận dụng, vận dụng cao. Yêu cầu học sinh phải hiểu rõ bản chất và nắm vững kiến thức mới giải quyết được; Kiến thức lớp 11 phù hợp, có 3 câu xếp vào vận dụng và câu vận dụng cao, rơi vào phần dãy số và lượng giác, phần xác suất nếu không phân tích kỹ có thể học sinh sẽ bị mắc bẫy.
Đây là một đề thi có tính phân loại cao, phân loại được học sinh khá giỏi. Để đạt được điểm tối đa tương đối khó.
Đề minh họa năm nay phần nhận biết, thông hiểu tương tự đề năm trước, các phương án nhiễu khá tốt và gây khó khăn. Phần vận dụng và vận dụng cao khó và đa dạng hơn nhiều so với năm trước. Đặc biệt là các câu vận dụng cao như câu: 46, 47, 48, 50.
Thầy và trò Trường THCS và THPT M.V Lômônôxốp đang tích cực ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 |
Kỹ năng vượt đề thi môn Toán THPT quốc gia 2018
Đề minh họa này đã được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, 12 câu đầu học sinh nên làm nhanh khoảng < 0,5 phút cho 1 câu; 12 câu tiếp theo có khó hơn một chút ở mức thông hiểu học sinh dành khoảng thời gian < 1 phút cho 1 câu; 16 câu tiếp theo khoảng 1 phút / 1 câu; dành thời gian còn lại cho 10 câu cuối.
- Kỹ năng làm bài thi 3 lượt môn toán:
Lượt 1: Đọc lướt qua đề, câu nào chọn được đáp án thì chọn luôn.
Lượt 2: Dành cho những câu phải viết nháp hoặc vẽ thêm hình.
Lượt 3: Cho những câu khó còn lại.
Ngoài ra, cần nắm chắc nội dung ôn tập cần nắm chắc kiến thức lớp 11 và 12.