Trọng chữ là trọng tri thức khi xin chữ đầu Xuân

GD&TĐ - Tục xin chữ đầu Xuân đã có từ lâu, đây có lẽ là nét văn hóa nói về truyền thống hiếu học của người Việt.

Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Văn Luận.
Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Văn Luận.

Tôi nhớ mãi câu nói của ông Vũ Huy Nhan, hậu duệ dòng họ Vũ Võ Việt Nam, ông hiện là thủ từ Đền thờ Thủy tổ họ Vũ Võ Việt Nam ở làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nhan đã bảo: “Làng tôi chẳng có gì ngoài học”. Chắc vì truyền thống hiếu học ấy mà làng Mộ Trạch được gọi là “Làng đệ nhất Khoa bảng” với 36 vị Tiến sĩ Khoa cử là người con của làng.

Trở lại với tục xin chữ đầu Xuân thì như đã biết, tục xin chữ là thể hiện sự mong muốn, điều ao ước của những người có nhu cầu “xin chữ Thánh hiền” vào dịp đầu Xuân cho mình và cho gia đình mình.

Do vậy mỗi độ Tết đến, Xuân về... những người được gọi là “Có chữ” trong làng, trong xã hay rộng hơn là trong vùng được mọi người tìm đến “xin chữ”. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.

Người cho chữ là ông đồ túc nho và người xin chữ thường là những chủ nhà cầu mong những tin mừng cùng những vận hội mới trong cuộc đời. Đặc biệt, những nhà có người theo học, mong được con chữ của Thánh hiền, giáng ứng cho may mắn trong học hành thi cử.

Cũng vì lẽ đó mà người đến xin chữ đa phần là các khóa sinh, thời Khoa cử và sau này là các học sinh, sinh viên. Những người đó đến “xin chữ Thánh hiền” vào dịp đầu Xuân với mong ước sang năm mới họ sẽ đạt được thành tích trong học tập.

Nhưng cũng có người đến xin chữ lại mang một ý nghĩa khác, xin chữ đem về nhà mình và treo ở nơi trang trọng là để gia đình nhà mình sang năm mới giải tỏa được “vận đen” của năm trước và rước vận may đến cho gia đình mình vào năm sau.

Cũng phải nói thêm rằng: Vì tục xin chữ đã có từ thời xa xưa, nghĩa là thời ấy dân ta học và viết chữ Hán. Khoan nói đến lý do của việc học chữ Hán mà hãy nói đến chữ Hán.

Bởi chữ Hán thuộc loại chữ tượng hình. Mỗi chữ viết ra đều liên quan hay cách khác là đều biểu đạt cho ý nghĩa của chữ đó. Hơn nữa vì là chữ tượng hình nên chữ Hán thoạt nhìn thấy tựa như một bức tranh. Và bức tranh ấy được những người có học viết ra như họ đã vẽ một bức tranh đầy ý nghĩa.

Thời nay người viết giỏi, viết đẹp chữ Hán không còn nhiều. Thêm nữa, người viết chữ Hán lại phải là người không chỉ giỏi chữ, mà trong cuộc sống phải là người có tâm, có đức và có tài.

Người viết lăng nhăng, tức là học mót được dăm ba chữ Hán rồi luyện cho giỏi chữ ấy là những người “suông”, nghĩa là người đó chỉ biết đến vậy thôi, họ viết chữ Hán cho người xin chữ chỉ với mục đích là “lấy tiền”.

Chữ Hán và sau này là chữ Việt được người viết viết ra được “suy” là Thư pháp. Thư pháp cũng nên hiểu là viết lên một bức tranh đẹp bằng những nét chữ.

Từ những trải nghiệm vài lần “xin chữ”, theo tôi, khi đến gặp “ông đồ” bao giờ người đến xin chữ cũng phải suy nghĩ sâu sắc về điều mình mong muốn. Suy nghĩ nung nấu đến mức chữ định xin đó luôn thường trực trong đầu, trong hành động. Và suy nghĩ đó đợi đến dịp, tức là đến đầu Xuân sẽ tìm gặp thầy đồ để bày tỏ nguyện vọng.

Sau khi nghe người đến xin chữ bày tỏ nguyện vọng, thầy đồ cũng phải suy nghĩ. Đầu tiên là suy nghĩ xem xem người đến xin chữ có thực tâm, thực lòng hay không. Điều này hoàn toàn thông qua suy đoán dựa vào thái độ của người đến xin chữ.

Dựa vào nét mặt và dựa vào cách nói năng của người đến xin chữ. Thấy những nguyện vọng của người đến xin chữ với nhìn nhận của mình trùng khớp thì thầy đồ mới gật đầu đồng ý sẽ cho chữ.

Hiện “tục” xin chữ hơi bị lạm dụng nên nhiều người đến xin chữ mà trong lòng không mảy may gì về ý nghĩa của chữ mình định xin và cũng có thầy đồ vì mục đích kiếm tiền nên gật đầu cho đại.

Cả hai người đó đều không có tâm thực nên chữ được cho “mất thiêng”, nó chỉ mang ý nghĩa là có chữ đèm đẹp treo chơi vui vui, thế thôi. Do vậy, mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm.

Tôi cảm nhận được điều như vừa nói là do một lần tôi tìm đến thầy đồ người họ Vũ, là cháu gọi “ông đồ Vũ Đình Liên” là bác, để xin chữ. Thầy đồ lấy bút danh là Nam Phương, nhà ở Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài viết thư pháp ông còn có “cái thú” đóng phim bởi ông có ngoại hình và tác phong rất “ông đồ” xưa. Dù ông đã ở tuổi thất thập nhưng còn lanh lợi và vui vẻ.

Ông thầy nhìn tôi hồi lâu rồi gật đầu đồng ý. Ông cẩn trọng và hết sức thong thả trải tờ giấy điều lên mặt bàn. Ông cẩn trọng tới mức tôi thấy hơi cầu kỳ. Xong xuôi việc trải giấy thì ông thầy nhắc tôi đặt bàn tay trái vào một góc của tờ giấy.

Ông giải thích: “Tay trái gần tim. Đặt tay trái lên đó thì người xin chữ sẽ nhập được nguyện vọng chính đáng của mình vào tờ giấy vốn “trắng tinh”. Và cũng như thế, tờ giấy vốn “trắng tinh” sẽ cảm được tấm lòng của người đến xin chữ mà tờ giấy ấy sẽ “có hồn”.

Rồi tiếp nữa thầy đồ nhắc tôi tập trung vào tờ giấy. Tôi đứng lặng yên, chăm chú nhìn theo từng nét chữ mà thầy đồ đang viết trên giấy. Ông thầy đồ cũng rất thong thả, chốc chốc lại dừng tay viết sau khi vừa “phẩy” xong một nét nào đó.

Ông thầy đồ ngước mắt nhìn vào mặt tôi, dường như ông đang cảm nhận những nguyện vọng cùng những mong muốn mà tôi đang nung nấu trong đầu.

Hình như thông qua nét mặt của tôi mà ông thầy đồ sẽ viết những nét chữ, sau này có người nói với tôi là ông thầy đồ đang “thổi hồn” vào từng nét chữ để thành một chữ hoàn chỉnh.

Sau này tôi mới hiểu là người cho chữ cũng phải có tâm và có tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ mới có thể chỉ đúng đường, đúng lối cho người xin chữ đạt được ước nguyện được gửi gắm qua từng nét bút.

Xin chữ đầu năm đó còn là một mong ước đi đúng đường, đúng lối, thuận buồm xuôi gió cũng như sự hanh thông, tài lộc suốt một năm. Trọng chữ là trọng tri thức, trọng truyền thống văn hóa, nét đẹp ấy bao năm vẫn mãi lưu truyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ