Đổi thay vùng đồng bào dân tộc Mảng ở huyện Nậm Nhùn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của bà con người Mảng ở Nậm Nhùn (Lai Châu) đã từng bước được đổi thay rõ nét.

Người dân ở bản Nậm Nó, xã Trung Chải chăn nuôi gia súc
Người dân ở bản Nậm Nó, xã Trung Chải chăn nuôi gia súc

Hiệu quả từ chính sách

Người Mảng là một trong những dân tộc ít người cư trú trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, Lai Châu. Với xuất phát điểm thấp, đồng bào Mảng đời sống kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, bà con nơi đây vẫn còn nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại.

Trước thực trạng đó, những năm gần đây, đồng bào Mảng đã nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách được triển khai đồng bộ. Từ đó, góp phần mang lại những đổi thay tích cực trong cộng đồng người Mảng ở Lai Châu.

Theo ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, Cộng đồng người Mảng trên địa bàn sinh sống ở 15 bản, thuộc các xã Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì, Nậm Hàng. Toàn huyện có 653 hộ người Mảng với trên 3.100 nhân khẩu và chiếm hơn 11% dân số.

“Những năm qua, huyện đã nỗ lực triển khai Quyết định số 1672/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1672) về phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao. Cùng với các chính sách hỗ trợ khác, những khó khăn về phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã từng bước được cải thiện” – ông Vũ Tiến Hóa cho biết.

Tính riêng năm 2018, tỉnh Lai Châu đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng để hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho 2.907 hộ người Mảng, Cống và La Hủ. Cùng với đó, mở 46 lớp tập huấn kiến thức sản xuất cho người dân. Đồng thời, có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội như: Hỗ trợ học sinh, cấp thuốc cho thôn, bản và đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở.

Trung Chải là xã có đông đồng bào Mảng sinh sống. 10 năm trở lại đây, từ những chính sách hỗ trợ và đặc biệt là Quyết định số 1672 được triển khai đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào Mảng trên địa bàn xã.

Ông Lò A Tư - Chủ tịch UBND xã Trung Chải cho biết: “Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ dành cho xã nói chung và đồng bào Mảng nói riêng đã góp phần tạo điều kiện giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ đó mà công tác giảm nghèo đang từng bước có những chuyển biến tích cực”.

Bản Nậm Ô (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn), nơi có 100% đồng bào Mảng sinh sống đang dần "thay da, đổi thịt".
Bản Nậm Ô (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn), nơi có 100% đồng bào Mảng sinh sống đang dần "thay da, đổi thịt".

Hộ anh Lò Văn Chiến, ở bản Nậm Nó 2 (xã Trung Chải) là một trong những hộ gia đình như vậy. Khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có của địa phương, anh Chiến mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Sau quá trình mày mò, học hỏi, anh quyết định lựa chọn chăn nuôi gia súc là hướng để xây dựng kinh tế gia đình.

Đến nay, gia đình anh luôn duy trì đàn trâu, bò với 20 con. Cuộc sống đã dần ổn định, anh có thêm điều kiện để mở rộng mô hình, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

“Từ khi phát triển chăn nuôi, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định. Cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều. Cùng với đó, chúng tôi có điều kiện để mua sắm nhiều đồ đạc phục vụ sinh hoạt và chăm lo cho các con đi học” – anh Chiến chia sẻ.

Cần giải pháp đồng bộ

Bám sát tình hình thực tế trong triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, tỉnh Lai Châu và huyện Nậm Nhùn đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Mục tiêu đặt ra là: “Mức sống của đồng bào các dân tộc này đến năm 2020 tương đương mức sống của những dân tộc khác trong vùng”.

Nhiều chương trình, dự án sắp xếp lại dân cư những khu vực đặc biệt khó khăn về giao thông, thiếu nước sinh hoạt, đất sản xuất, những nơi có nguy cơ sạt lở cao được triển khai. Cùng với đó, ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng các tuyến giao thông liên xã và tới các bản, tạo tiền đề giúp người dân phát triển kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, đường giao thông đã được xây dựng mới và nâng cấp đến những bản có dân tộc Mảng sinh sống. Đa số các bản đều có lớp học kiên cố, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu. 100% học sinh trong độ tuổi đến trường được đi học và thụ hưởng các chính sách về giáo dục. Hệ thống điện nước dần trải khắp ở các bản. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng theo các năm.

Nhiều hộ gia đình chú trọng phát triển chăn nuôi gắn với trồng trọt

Nhiều hộ gia đình chú trọng phát triển chăn nuôi gắn với trồng trọt

Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Tại các khu vực có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống thì cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối là đồng bộ, từ đường giao thông, trường, trạm, nước sản xuất, nước sinh hoạt. Kinh tế của bà con cũng được quan tâm hỗ trợ từ cây, con giống cho đến các chính sách về khai hoang, thủy lợi phí, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho cộng đồng người Mảng”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hóa, để công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững thì các cấp, ngành vẫn cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ hơn nữa.

Đề án “Phát triển kinh tế- xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” được thực hiện tại 88 thôn, bản ở 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang. Thời gian thực hiện được phân làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I: Từ 2011 – 2015 và giai đoạn II: Từ 2016 – 2020.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao phát triển sản xuất, giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn và chuyển quyền biên giới quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ