Trồng cây gai xanh, hướng thoát nghèo của đồng bào miền núi Quan Sơn

GD&TĐ - Nhiều diện tích trồng cây năng suất thấp được bà con huyện miền núi Quan Sơn chuyển sang cây gai xanh, mỗi năm bà con thu về 50 triệu đồng/ha.

Cây gai xanh được xem là cây chủ lực giúp xoá đói giảm nghèo.
Cây gai xanh được xem là cây chủ lực giúp xoá đói giảm nghèo.

Cây trồng 1 lần thu hoạch 10 năm

Trung Xuân là xã đầu tiên của huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) trồng cây gai xanh, tổng diện tích cây gai xanh toàn xã hiện nay là 24 ha; trong đó cây gai xanh được trồng nhiều nhất ở bản Muỗng, bản La, bản Phú Nam.

Bản Muỗng là bản tiên phong trong việc đưa cây gai xanh thay thế cho các loại cây kém hiệu quả. Bản có 39 hộ thì có 10 hộ tiên phong trồng cây gai xanh từ năm 2021, với tổng diện tích toàn bản là 7 ha. Cây gai xanh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở bản Muỗng nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Những ngày này, bà con bản Muỗng, xã Trung Xuân đang thu hoạch vụ cây gai xanh thứ 4 trong năm. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, bản Muỗng đã thành lập tổ hợp tác cây gai xanh với 10 hộ tham gia. Thành viên trong tổ hợp tác được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai, hỗ trợ kinh phí mua giống, vật tư, máy tuốt vỏ gai, phân bón...

Gia đình ông Hà Văn Thế, bản Muỗng là 1 trong những hộ của bản mạnh dạn chuyển 8.000 m2 đất trồng cây kém năng suất sang trồng cây gai xanh.

Theo ông Thế, sau khi thay thế cây gai xanh, gia đình ông không những có thu nhập ổn định mà còn cao hơn nhiều so với trồng các cây ăn quả khác.

“Giống cây có tuổi đời từ 7-10 năm, chỉ cần xuống giống một lần thì khoảng 10 năm sau mới phải trồng lại, trung bình 50 ngày cây gai cho thu hoạch một lần nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao.

Sau khi thu hoạch, bà con dùng máy để tuốt vỏ.

Sau khi thu hoạch, bà con dùng máy để tuốt vỏ.

Với giá nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước (Cẩm Thuỷ) thu mua là 47.000 đồng/kg vỏ gai khô loại 1, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình cũng thu về được một khoản tiền khá lớn. Nhiều gia đình chẳng mấy chốc mà thoát nghèo”, ông Thế phấn khởi.

Anh Hà Văn Hiếm, bản Muỗng có 1 ha trồng cây gai xanh, hiện nay cây gai xanh cũng đang được gia đình thu hoạch lứa thứ 4 để nhập cho nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước. Trung bình 1 ha, gia đình anh Hiếm thu hoạch 7 tạ, với giá 47.000 đồng/kg vỏ gai khô, so với giá các loại cây ngô, sắn, lúa thì cây gai cho thu hoạch gấp nhiều lần.

Cây gai sau khi thu hoạch, bà con dùng máy tuốt lấy vỏ cây gai, còn phụ phẩm của cây được ủ làm phân bón hoặc làm thức ăn cho trâu, bò, cá.

Cây chủ lực giúp giảm nghèo

Thực hiện Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND huyện Quan Sơn được giao diện tích 393 ha thực hiện trên 9 xã.

Không chỉ riêng xã Trung Xuân, nhiều xã trên địa bàn huyện Quan Sơn xác định cây gai xanh là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Hiện toàn huyện Quan Sơn đã mở rộng được 24,5 ha tại 4 bản của 3 xã là Trung Xuân, Mường Mìn, Sơn Điện. Trong đó, xã Trung Xuân được trồng tại bản Muỗng, bản La có tổng diện tích 15,8 ha. Đây là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Quan Sơn trồng cây gai xanh phục vụ Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước (xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ) từ năm 2021; xã Mường Mìn trồng cây gai xanh tại bản Bơn với diện tích 6,7 ha, trồng vụ xuân năm 2022; xã Sơn Điện trồng cây gai xanh tại bản Nhài với diện tích 2,0 ha trồng vụ xuân 2022.

Theo đánh giá của địa phương này, trung bình sau 3 vụ thu hoạch với điều kiện sản xuất và chăm sóc tốt thì thu nhập từ cây gai sẽ bù đủ chi phí đầu tư ban đầu và cho thu nhập hàng năm đạt 100-120 triệu đồng/năm, bằng 1,5-1,8 lần thu nhập bình quân hàng năm trên 1 ha trồng trọt của huyện, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt ít nhất 50 triệu đồng/ha/năm.

So sánh với diện tích trồng cây lâu năm đan xen ngắn ngày kém hiệu quả thì thu nhập từ trồng cây gai xanh cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt (thu nhập trung bình trước đây chỉ đạt trung bình 20-25 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí).

Ngoài ra, có thể tận dụng các sản phẩm phụ khác từ cây gai, lá gai để chăn nuôi dê, thỏ, nuôi cá.

Huyện Quan Sơn đang phấn đấu phát triển diện tích vùng nguyên liệu ở các xã Trung Tiến, Trung Thượng, Sơn Điện, Sơn Thuỷ với diện tích 48,5 ha. Trong năm 2022, toàn huyện phấn đấu trồng mới thêm 10 ha diện tích cây gai xanh trên địa bàn huyện, diện tích còn lại tiếp tục thực hiện làm đất đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho trồng vào vụ xuân đầu năm 2023.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, qua đánh giá thực tế mô hình cây gai xanh trên địa bàn huyện Quan Sơn cho thấy giống cây này rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Quan Sơn, sau khi thu hoạch trừ chi phí bà con có thể thu về từ 40 đến 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận hơn hẳn so với các cây trồng nông nghiệp truyền thống.

“Nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân trên một diện tích canh tác, thời gian tới tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh về chuyển đổi đất sang trồng cây gai xanh, huyện Quan Sơn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con nhân dân chuyển đổi giống cây trồng năng suất thấp, đặc biệt là tận dụng quỹ đất bỏ không, đất kém năng suất sang trồng cây gai xanh”, ông Tuấn cho biết thêm.

Nhằm khuyến khích phát triển mở rộng diện tích cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, năm 2021 HĐND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khi chuyển đổi cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai; hỗ trợ 50% (tối đa 10 triệu đồng/ha) để mua giống trồng mới; hỗ trợ kinh phí mua máy tước vỏ gai với mức 5 triệu đồng/máy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ