Người dân vùng nông thôn các tỉnh miền Trung, nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi đang trồng cau ồ ạt sau khi giá cau tươi liên tục tăng từ 40.000 đồng/kg hồi tháng 6, nay lên 80.000 - 90.000 đồng/kg nhưng chưa thấy có dấu hiệu dừng.
Cau là cây không xa lạ với người Việt ở vùng nông thôn. Nhưng công dụng chủ yếu của nó chỉ phục vụ cho những người ăn trầu, một ít được dùng trong lễ cưới hỏi, cúng giỗ, dịp Tết hoặc thảng mùng 1, ngày rằm nên mỗi nhà trồng dăm bảy cây đủ dùng. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc bắt đầu nhập cau tươi nên cây cau có giá. Người nông dân chú ý hơn đến loại cây này.
Huyện vùng cao Sơn Tây được xem như thủ phủ của cây cau ở Quảng Ngãi với hàng vạn cây mọc khắp núi rừng. Người Ka Dong vùng này trồng cau chỉ để ăn với trầu vì đa số đồng bào ở đây nghiện trầu nên giá trị cây cau không đáng kể. Nhưng từ khi thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua mạnh mặt hàng này, nhiều người trúng cau.
Thương lái về tận các rẫy cau để mua cau tươi. Họ hình thành hàng loạt các lò sơ chế cau tươi tại chỗ trước khi xuất khẩu. Thế nhưng, có những năm nhiều người “đầu cơ” loại mặt hàng này phải méo mặt vì bên Trung Quốc không nhập cau nữa.
Hàng trăm tấn cau phải đổ bỏ. Còn cau trên rẫy thì bỏ mặc cho chín rụng đầy gốc khi giá cau tụt xuống còn 2.000 đồng/kg mà không ai mua.
Ở các huyện đồng bằng, người dân cũng bắt đầu chú ý hơn khi thấy mặt hàng này bắt đầu có giá. Tuy nhiên, giá cả của cau rất bấp bênh, có năm lên đến 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg nhưng cũng có năm chẳng ai mua cau! Riêng hai năm trở lại đây, nhất là năm 2024 này, đặc biệt trong tháng 9 và 10/2024, giá cau luôn “lập đỉnh”.
Với giá bán tại vườn 80.000 - 90.000 đồng/kg, nhiều người thu nhập hàng trăm triệu đồng nếu như có vài trăm cây cau đang cho quả. Lưu ý là người mua/bán cau cân luôn cả buồng, tức cả cùi chứ không cân riêng quả cau nên mỗi buồng cau 5 - 7kg nhưng số quả lại không bao nhiêu. Hơn nữa, cau là loại cây cho quả liên tục chứ không theo mùa như các loại cây trồng khác nên người trồng cau có thu nhập quanh năm.
Lợi nhuận từ cau ít ai ngờ tới vì không một loại cây trồng nào mà lãi lớn như cau năm nay. Nghe đâu Trung Quốc mua cau về làm kẹo. Đảo Hải Nam là nơi cung cấp cau lớn nhất cho Trung Quốc nhưng cơn bão Yagi hôm tháng 9 đã làm cho số diện tích cau trên đảo này bị hư hỏng toàn bộ. Đó là lý do khiến giá cau liên tục tăng.
Thấy cau có giá, người ta đổ xô đi mua cau con về trồng. Diện tích cau tăng vọt, thế chỗ cho nhiều loại cây ăn trái khác. Cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi đổ xô vào trồng cau vì phải mất ít nhất 5 - 6 năm sau mới cho quả mà đến lúc đó thì không biết bên Trung Quốc họ có còn nhập cau nữa không? Bài học về trồng dưa và nhiều loại cây trồng khác vẫn còn nguyên giá trị.
Không có gì là chắc chắn cho đầu ra của trái cau sau 5 - 6 năm nữa nên tốt nhất, người dân nên chăm cho tốt vườn cau hiện có. Nếu có trồng thêm thì chỉ tận dụng những chỗ đất trống nơi bờ rào chứ không nên phá các loại cây ăn trái khác để trồng cau.