(GD&TĐ) - Nạn trộm cắp vặt ở trong nhà trường tuy không phổ biến nhưng khá phức tạp. Nếu thiếu biện pháp ngăn ngừa kịp thời thì sẽ gây ra những điều phiền muộn cho HS, GV và cả PHHS.
Để ý máy tính bỏ túi
Tự bảo quản học cụ là ý thức cần phải có ở mỗi học sinh. Ảnh minh họa |
Trong cặp sách của HS ngoài sách vở, bút thước vật có giá trị nhất là máy tính cầm tay, chính vì thế đây là vật thường bị mất cắp nhiều nhất trong các lớp học. Lần đó em Trần Nam S. một HS lớp 8 Trường THCS T.C.Đ, Q. Bình Thạnh sau giờ ra chơi đã phát hiện chiếc máy tính fx 500 MS của mình để trong túi xép cặp sách đi học bị mất lúc nào không hay. Dù sau đó GVCN cho kiểm tra các cặp sách khác nhưng vẫn không tìm ra được thủ phạm. Phần vì tiếc của phần vì sợ ba mẹ rầy la nên S. khóc lóc và không dám về nhà.
Chị M. phụ huynh em S. cho biết: “Vào đầu năm học thấy con trai xài chiếc máy tính của thằng anh để lại đã quá cũ nên tôi mới dành tiền mua cho cháu một chiếc máy mới hiệu Casio. Ai ngờ mới xài được hơn một tuần thì đã mất. Lúc đầu tôi cũng la nó vì tiếc của nhưng cuối cùng nghĩ lại cũng tội, chỉ thương cháu phải dùng lại chiếc máy tính cũ mà thôi”.
Vừa mới vào học chưa được 1 tháng, tại Trường THPT P.Đ.L. Q. Bình Thạnh đã có vụ trộm hàng chục máy tính bỏ túi. Hôm đó, sau tiết chào cờ đầu tuần Trần Thị H. HS khối 11 của trường quay trở về lớp để sinh hoạt tiết chủ nhiệm. Khi ngồi vào ghế của mình, H. thấy chiếc cặp đựng tập vở không còn nằm ở vị trí cũ.
Kiểm tra kỹ thì em không tìm thấy chiếc máy tính cầm tay hiệu Casio fx 570 ES PLUS mới học trong 2 tiết toán đầu buổi. Hy vọng có ai đó trong lớp mượn tạm nên H. hỏi mấy bạn ngồi xung quanh nhưng mọi người đều lắc đầu. Biết có chuyện chẳng lành các HS khác cũng vội kiểm tra lại cặp giỏ thì đều bị mất máy tính cá nhân. Thế là chỉ sau 1 tiết xuống sân trường, hơn 30 chiếc máy tính Casio trong lớp bị kẻ trộm nhân cơ hội vắng vẻ đã cuỗm đi mất.
Công việc truy tìm thủ phạm sau đó thật sự vất vả vì trong giờ chào cờ tất cả các HS trong lớp đều rời khỏi phòng cùng một lúc mà không có ai ở lại. Từ trước tới nay chưa có vụ trộm nào táo tợn như thế nên cả thầy và trò đều chủ quan. Ra khỏi phòng không có người trực thế mà cửa lớp không bao giờ khóa lại mà chỉ khép hờ hai cánh. Mặc dù sự việc đã xảy ra trong 2 tuần nay nhưng toàn bộ tài sản vẫn chưa được thu hồi vì chưa lần ra manh mối thủ phạm.
Có thể nói mất máy tính cầm tay là hiện tượng hầu như phổ biến ở các trường. Bởi vì trước hết đây là tài sản quý giá nhất ở trong cặp các em HS ngoài tập vở, bút thước. Những chiếc máy tính này loại đơn giản cũng đã có giá 300 - 400 ngàn. Nhưng cũng có những loại máy đời mới hiện đại giá không dưới 400 ngàn và đây là một số tiền không nhỏ đối với những gia đình có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Nếu con cái làm mất đi chiếc máy tính mới mua đầu năm học đối với nhiều người đó là một sự rủi ro thật đáng tiếc vì không thể xoay xở kịp để có tiền mua máy mới.
Nhiều phụ huynh như chị M. đã biết thông cảm cho con vì điều đó xảy ra ngoài ý muốn nhưng cũng có cha mẹ trách mắng con thiếu cẩn thận không biết giữ gìn tài sản cá nhân. Không ít người lại đổ thừa trách nhiệm cho nhà trường và thầy cô. Chính vì thế sau sự cố mấy hàng chục máy tính cầm tay tại trường THPT P. bị “bốc hơi”, một số PHHS do không kiềm chế được đã lên gây rối tại trường yêu cầu những người có trách nhiệm phải bồi thường một cách vô cớ (?).
Đến cả tiền mặt
Một tài sản mà kẻ trộm vặt trong nhà trường thường hay chú ý là tiền mặt mà các HS hay mang theo trong người. Bên cạnh các khoản tiền lẻ do cha mẹ cho “dằn túi” để đi đường sửa xe, uống nước, mua lặt vặt thì các em còn mang theo những khoản tiền lớn để đóng học phí, đóng các khoản tiền trường. Dù đã cẩn thận cất kỹ tiền trong ví như em Nguyễn Hương G. HS lớp 11 Trường THPT V.T.S vẫn bị kẻ trộm lấy cắp 400.000 tiền đóng học phí. G. cho biết, có lẽ khi vào lớp có ai đó đã nhìn thấy em đem tiền ra đếm nên đã lợi dụng lúc G. ra ngoài để lục túi để lấy cắp.
Trộm cắp vặt thực ra không phải là một hiện tượng phổ biến trong trường học nhưng rất nhiều hệ lụy. Một số em do lòng tham nên đã nảy sinh ra tật “táy máy” không lấy của người khác là không được. Nhưng một nguyên nhân khác nữa là từ sự GD của người lớn. Biết con phạm lỗi nhưng không nhắc nhở nên có người đã vô tình tiếp tay để trẻ em dễ mắc sai lầm.
Thầy Đỗ Đức Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp đưa ra kinh nghiệm: “Trong tiết ra chơi giữa giờ hầu hết HS các lớp đều xuống sân vui chơi, nếu không khóa cửa hoặc cử người trông coi thì dễ xảy ra hiện tượng mất cắp. GV nên cử một hoặc hai em thay phiên nhau trông coi lớp”.
Cũng theo thầy Minh, tại Trường THCS Gò Vấp các em HS khuyết tật đi lại khó khăn nhất là từ trên các lầu cao xuống nên phải ngồi một chỗ trong giờ ra chơi. Chính những em này là những người “canh chừng” kẻ gian nội bộ tốt nhất.
Đó cũng là giải pháp của các GV ở Trường THCS Bình Lợi Trung, Q. Bình Thạnh. Cũng có khi nguyên nhân lại chính từ nạn nhân như trường hợp em Nguyễn Hương G. Nếu em không đem tiền ra đếm trong lớp thì sẽ không có người biết. Chính lòng tham nảy sinh bất chợt đã thúc giục thủ phạm ra tay khi có cơ hội thuận lợi.
Chị Phạm Thị N. một phụ huynh của Trường Tiểu học Đuốc Sống, Q.1 trao đổi: “Mỗi khi đưa tiền cho con đi đóng học phí tôi thường dặn cháu cất kỹ trong người, nếu bỏ trong túi hay ba lô thì phải cẩn thận hơn”. Có lẽ nhờ nghe theo lời mẹ mà con trai chị không bao giờ mất tài sản ở trường. Đó là một kinh nghiệm cần được đưa vào kỹ năng sống mà các em HS phải biết.
Bên cạnh đó nhà trường nên tăng cường biện pháp nhắc nhở và ngăn chặn kịp thời đừng để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Hiện nay có tình trạng một số trường xảy ra các vụ trộm cắp nhỏ nhưng nhà trường coi đó là chuyện nội bộ chỉ nên “đóng cửa dạy nhau” chứ không báo kịp thời với công an hoặc các cơ quan chức năng vì sợ mang tiếng xấu (?) ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Không tìm ra được thủ phạm, không tiêu diệt được tận gốc lòng tham nên tình trạng này vẫn cứ xảy ra đều đều vì thủ phạm cứ “thấy bở thì đào mãi”.
Nguyễn Hoàng Anh