Nữ hiệu trưởng dạy xoá mù cho học viên người dân tộc

GD&TĐ - Ngoài làm công tác quản lý ở trường, nhà giáo Hoàng Thị Chinh lại tranh thủ cùng đồng nghiệp tham gia dạy lớp xoá mù chữ.

Lớp học xoá mù chữ ở xã Tùng Vài, tỉnh Tuyên Quang.
Lớp học xoá mù chữ ở xã Tùng Vài, tỉnh Tuyên Quang.

Làm gương cho cấp dưới và học trò

Bà Hoàng Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ván, xã Tùng Vài, tỉnh Tuyên Quang Không chỉ chú trọng vào công tác quản lý trường học mà thường xuyên quan tâm đến công tác chuyên môn, đặc biệt quan tâm đến công tác xoá mù chữ ở địa phương.

Trong năm 2025, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chiến sĩ đồn Biên phòng, công an… triển khai mở hai lớp xoá mù chữ.

Bà Chinh kể: “Đối tượng tham gia lớp xoá mù chữ của chúng tôi có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi, đây là độ tuổi lao động. Do đó trước khi khai giảng, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý thôn, hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, công an, bộ đội biên phòng… đến tận các thôn, các gia đình khảo sát và vận động.

Sau khi đã xác định được những người dân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ, bà Chinh và các đồng nghiệp xây dựng kế hoạch, thời khoá biểu phù hợp với tình hình thực tế của học viên để tạo điều kiện cho người học tham gia đầy đủ.

Bà Hoàng Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ván giảng dạy tại lớp xoá mù chữ:

Bà Chinh cho biết: “Chương trình xóa mù chữ bắt đầu triển khai từ tháng 5/2025. Chúng tôi mở hai 2 lớp đặt ở nhà văn hoá hai thôn trong xã. Trong đó, một lớp có 25 học viên và một lớp 14 học viên. Họ là người dân tộc Mông, thời gian đến lớp từ 19h30 - 21h30. Học viên nhà xa nhất là 2 - 3 km”.

Bà Chinh cho biết thêm, quá trình vận động người dân đến lớp gặp không ít khó khăn. Nhiều người lớn tuổi e ngại việc học, lo sợ bản thân không còn khả năng tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và nỗ lực bà cùng Ban giám hiệu và các giáo viên của 3 nhà trường đã phối hợp với chính quyền, ban quản lý thôn… tích cực tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu rằng trong thời đại phát triển thông tin hiện nay, việc biết chữ là điều vô cùng cần thiết.

“Nếu không biết đọc, biết viết, bà con sẽ gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống thường ngày. Nhất là khi cần ký nhận giấy tờ hay thực hiện thủ tục giấy tờ nào đó mà không còn dùng vân tay thì biết viết tên là điều cần thiết”, bà Chinh chia sẻ.

Là người trực tiếp đứng lớp từ những buổi học đầu tiên, bà Hoàng Thị Chinh không ngừng tìm cách tạo hứng thú cho học viên. Bà lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với từng cá nhân, khuyến khích từng người tự tin thể hiện bản thân trước tập thể. Nhờ đó, không khí lớp học ngày càng sôi nổi, người dân dần thay đổi nhận thức và tích cực tham gia học tập.

Theo bà, dù chữ viết của học viên chưa ngay ngắn, phát âm chưa rõ ràng, nhưng chỉ cần họ có tinh thần học tập, bà và các thầy cô giáo, bộ đội, công an luôn sẵn sàng ở lại lớp để kèm cặp.

“Mỗi nét chữ mà bà con viết ra không chỉ là kết quả của một buổi học, mà còn là minh chứng cho sự thay đổi đến từ ý chí và lòng ham học. Những điều đó không thể đo đếm bằng điểm số”, bà Chinh bày tỏ.

Phương pháp gieo chữ từ trái tim

Trong lớp học xóa mù chữ, bà Hoàng Thị Chinh và các thầy cô giáo không sử dụng giáo án thông thường. Họ lắng nghe, quan sát và điều chỉnh từng phương pháp để phù hợp với nhịp học riêng của mỗi học viên.

Bà Chinh tâm sự: “Dạy người lớn không giống dạy học sinh nhỏ tuổi. Nhiều bà con không thạo tiếng phổ thông và cách học ở trường, có người còn rụt rè khi cầm bút viết, phát âm còn ngọng... Vì vậy, giáo viên phải kiên nhẫn, dùng cả ngôn ngữ ký hiệu, khẩu hình, hiệu lệnh, thậm chí là biểu cảm để tạo sự gần gũi, dễ hiểu”.

Không có áp lực điểm số, mỗi buổi học là những cuộc trò chuyện thân tình giữa những người bạn đồng hành tìm lại con chữ. Thầy cô không chỉ là người giảng bài, mà còn là người lắng nghe, sẻ chia. Họ đã tạo nên một không gian học tập ấm áp, nơi ánh mắt động viên và nụ cười khích lệ trở thành một phần không thể thiếu.

Chính sự cởi mở ấy đã xoá đi khoảng cách giữa thầy và trò, biến lớp học nhỏ nơi vùng cao thành một cộng đồng chan chứa tình người. Ở nơi đây, mọi sự nỗ lực đều được ghi nhận, những khó khăn của bà con được thấu hiểu và mỗi người đều có thể cất lên tiếng nói của bản thân.

mu-chu-3.jpg
Đối tượng tham gia lớp xoá mù chữ của chúng tôi có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi.

“Mỗi học viên đều mang trong mình một câu chuyện riêng. Có những cô bác 60 tuổi lần đầu viết được tên bản thân, có người đọc ngọng rồi ngượng nghịu cười phá lên. Nhưng sau tiếng cười ấy là niềm vui thật sự vì họ đã vượt qua được một điều tưởng như không thể”, bà Chinh chia sẻ.

Việc duy trì sĩ số lớp học cũng là một bài toán không đơn giản. Vì đặc thù cuộc sống lao động, học viên có thể nghỉ giữa chừng để đi nương, làm thuê kiếm sống, hay vì mưa gió. Nhưng thay vì trách móc, các thầy cô luôn kiên nhẫn tìm đến tận nhà, cùng ban quản lý thôn động viên, thuyết phục.

Bà Chinh kể lại: “Trong buổi khai giảng, tôi nói với bà con rằng nếu ai đi học chuyên cần sau khi kết thúc một giai đoạn sẽ được tuyên dương. Đây chính là sự ghi nhận để bà con thấy rằng mình đang làm điều có ích và được trân trọng”.

Đồng thời, vị hiệu trưởng cũng lưu ý giáo viên đứng lớp không tạo áp lực cho học viên mà chọn cách truyền cảm hứng.

Tại đầu các buổi học, bảng chấm công đơn sơ lại trở thành minh chứng cho sự cố gắng của mỗi người. “Đi học đều là có thêm con chữ, bỏ học một buổi là mất đi một cơ hội”, đây chính là câu nói mà bà Chinh và thầy cô thường nhắc nhở học trò.

Và điều đáng mừng là sau một thời gian, lớp học đã trở nên đông đủ, không khí học tập cũng tích cực và gắn kết hơn. Ở nơi lớp học không có bảng điểm, mỗi bước tiến nhỏ của người học đều xứng đáng được khích lệ. Phương pháp giảng dạy ở đây không bắt đầu từ sách vở, mà bắt đầu từ sự kiên nhẫn, thấu hiểu và niềm tin rằng dù ở bất kỳ độ tuổi nào, chỉ cần có người đồng hành, con chữ sẽ không còn xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vì sao Ukraine nói không với Tomahawk Mỹ?

Vì sao Ukraine nói không với Tomahawk Mỹ?

GD&TĐ - Mặc dù mới có tin đồn về việc Mỹ sẽ chuyển giao tên lửa hành trình Tomahawk cho Ukraine, nhưng Kiev đã từ chối vì không có nền tảng phóng phù hợp.