- Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025. Xin bà cho biết ngành Giáo dục Cao Bằng đã có sự chuẩn bị như thế nào để thích ứng hiệu quả với sự thay đổi này?
Bà Nguyễn Ngọc Thư: Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính của cả nước. Với ngành GD&ĐT Cao Bằng, chúng tôi xác định việc chuyển đổi mô hình quản lý là cơ hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức, vận hành hệ thống giáo dục.
Ngay từ đầu, chúng tôi đã chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng, giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành hiểu rõ mục tiêu và lợi ích của việc tinh gọn bộ máy, phân cấp, phân quyền. Sở GD&ĐT đã chủ động rà soát 111 thủ tục hành chính và xây dựng quy trình giải quyết nội bộ cấp tỉnh – cấp xã, đảm bảo đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chúng tôi cũng đã phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện chuyển giao cơ sở giáo dục về UBND cấp xã quản lý; xây dựng Đề án đưa 9 trung tâm GDNN – GDTX về trực thuộc Sở; tiếp nhận nhiệm vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; sáp nhập Trường Trung cấp nghề vào Trường Cao đẳng Sư phạm, thành Trường Cao đẳng Cao Bằng.
Đồng thời, Sở đã tinh gọn bộ máy còn 6 phòng chuyên môn, tham mưu ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ mới phù hợp với mô hình quản lý 2 cấp.
- Để bảo đảm hoạt động trường học diễn ra bình thường, hiệu quả sau thay đổi mô hình quản lý, ngành đã triển khai các giải pháp cụ thể gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Ngọc Thư: Việc bàn giao các cơ sở giáo dục về UBND cấp xã được thực hiện nguyên trạng, bảo đảm ổn định. Tuy nhiên, để bảo đảm vận hành hiệu quả trong bối cảnh mới, Sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng các quy chế phối hợp giữa Sở – UBND xã/phường – nhà trường, làm rõ vai trò, trách nhiệm từng bên.
Chúng tôi phân cấp mạnh mẽ nhưng đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các trường được tăng quyền tự chủ trong chuyên môn, tài chính, nhân sự. Song song, Sở tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Ngoài ra, công tác rà soát, bổ sung đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được đẩy mạnh – đặc biệt ở vùng khó. Sở chú trọng bồi dưỡng năng lực, kỹ năng cho đội ngũ để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng là một giải pháp trọng tâm giúp tạo sự liên thông, hiệu quả, minh bạch.

- Thưa bà, vậy cơ chế phối hợp giữa Sở – UBND xã – nhà trường được xác lập ra sao để bảo đảm thống nhất trong quản lý hành chính và chuyên môn?
Bà Nguyễn Ngọc Thư: Về quản lý hành chính, các trường mầm non, tiểu học, THCS nay trực thuộc UBND xã/phường. Về chuyên môn, Sở GD&ĐT trực tiếp phụ trách. Điều này giúp công tác chỉ đạo chuyên môn đồng bộ, thống nhất, trong khi chính quyền cơ sở có vai trò chủ động hơn trong đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.
Chúng tôi căn cứ Nghị định 142/2025/NĐ-CP và Công văn 1581/BGDĐT-GDPT của Bộ GD&ĐT để xây dựng quy chế phối hợp phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Mỗi bên có vai trò rõ ràng, không chồng chéo. UBND cấp xã sẽ chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, hợp đồng nhân sự, phối hợp an ninh trường học. Nhà trường là trung tâm tổ chức hoạt động giáo dục.
- Là tỉnh miền núi với đông học sinh dân tộc thiểu số, Cao Bằng có những giải pháp nào để đảm bảo công bằng giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi mô hình quản lý?
Bà Nguyễn Ngọc Thư: Trên 80% học sinh của tỉnh đang học tại vùng khó khăn, với hơn 95% là học sinh dân tộc thiểu số. Do vậy, chúng tôi xác định rõ: chuyển đổi mô hình tổ chức không làm thay đổi định hướng ưu tiên cho giáo dục vùng khó.
Chúng tôi duy trì mạng lưới trường lớp phù hợp, rà soát sắp xếp điểm trường lẻ nhưng bảo đảm học sinh không phải đi xa. Ưu tiên duy trì lớp ghép, lớp mẫu giáo 3–5 tuổi ở vùng sâu, vùng cao để đảm bảo mọi trẻ em đều được đến trường đúng độ tuổi. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ nhiều nguồn. Triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo các Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, 105/2020/NĐ-CP, 66/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa với chính sách thu hút, giữ chân lâu dài.
Chúng tôi cũng đang tăng cường chuyển đổi số, đưa học liệu số, lớp học thông minh vào các trường; đồng thời nâng cao năng lực số cho giáo viên, học sinh nhằm thu hẹp khoảng cách vùng miền.

- Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú – vốn rất quan trọng ở tỉnh miền núi – sẽ được duy trì và phát triển ra sao trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Ngọc Thư: Đây là trụ cột trong chiến lược phát triển giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Hiện Cao Bằng có 56 trường PTDT bán trú với hơn 16.000 học sinh, 13 trường PTDT nội trú với hơn 3.200 học sinh. Đề án phát triển GD tỉnh xác định đến năm 2030 sẽ có ít nhất 84 trường bán trú và duy trì 13 trường PTDT Nội trú.
Chúng tôi sẽ phối hợp các xã/phường để rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với dân cư, địa hình và điều kiện kinh tế. Việc phát triển trường bán trú sẽ gắn với đầu tư cơ sở vật chất, bếp ăn, ký túc xá…
Về hỗ trợ giáo viên "cắm bản", tỉnh đã và đang thực hiện nghiêm túc các chính sách theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP. Sở cũng nghiên cứu đề xuất thêm chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên vùng sâu – như hỗ trợ ăn trưa, đi lại, nhà công vụ. Hy vọng sự quan tâm đó sẽ tiếp thêm động lực để các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó lâu dài.
- Bà muốn nhắn gửi điều gì đến đội ngũ giáo viên, học sinh tỉnh nhà trong giai đoạn nhiều đổi thay này?
Bà Nguyễn Ngọc Thư: Ngày 16/6/2025, Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua với nhiều chính sách ưu đãi – thể hiện sự tri ân và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đối với nghề dạy học. Tôi mong đội ngũ giáo viên tỉnh nhà tiếp tục giữ vững tâm huyết, bản lĩnh, phát huy sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Với các em học sinh, tôi hy vọng các em luôn nuôi dưỡng ước mơ, tinh thần vượt khó, học tốt – rèn tốt để trở thành công dân tử tế, góp phần xây dựng quê hương Cao Bằng ngày càng phát triển và tự tin bước vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.