Trở về từ Mường Lát

GD&TĐ - Biết 'tiếng thơ' của Nguyễn Minh Khiêm đã lâu nhưng phải đến tháng 10/2016, tôi mới được gặp ông khi dự trại sáng tác ở Tam Đảo.

Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng năm 2018.
Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng năm 2018.

Bề ngoài, ông chẳng có “dáng” là “anh giáo dạy văn cấp 2” chứ đừng nói là nhà thơ. Vóc dáng cao to, nước da hơi đầm đậm và giọng nói sang sảng thì ai cũng tưởng ông là “vận động viên” hoặc chí ít cũng làm công việc chẳng liên quan gì đến chữ nghĩa. Đại loại, trông ông giống một “nhà hùng biện” hơn.

Nghe tôi nhận xét, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm cất tiếng cười cũng sang sảng. Ông khoe luôn: “Đi trại lần này mình sẽ hoàn thành chùm thơ nung nấu mãi. Hy vọng sẽ đạt được điều gì đó”.

Kết thúc trại sáng tác, Nguyễn Minh Khiêm đĩnh đạc “nộp quyển” cho trưởng trại là nhà thơ Đoàn Văn Mật một chùm thơ vừa dài vừa dày dặn. Ông cười vui ra mặt với “thành quả” ấy.

Tháng 1/2017, ông gọi điện từ thị trấn Quán Lào (Yên Định, Thanh Hóa), nơi quê hương và cũng là nơi ông sinh sống, cho tôi. Ông “khoe”: “Mình sắp ra Hà Nội. Anh em mình lại được gặp nhau rồi”.

Đúng hẹn, sáng hôm ấy, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm diện complet đen lịch lãm, đĩnh đạc bước lên sân khấu nhận giải Nhất cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. . .

Tôi đến chúc mừng ông: “Bác thấy em nói có như “thần bảo” không?”. Đang vui với thành tích đạt được nên ông nhà thơ U70 vẫn cứ cười sang sảng. Rồi hỏi lại: “Chú nói thần bảo là gì?”. Tôi trả lời: “Thì em đã nói hễ “cứ đi thi” là bác trúng giải cao đó thôi”. Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm lại cười sang sảng, chẳng thấy giống “ông nhà thơ” gì cả.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm tốt nghiệp khoa Văn Trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa năm 1977, khi tròn 24 tuổi. Những tưởng, anh giáo sinh mới ra trường sẽ đến dạy ở trường cấp 2 nào đó trong tỉnh, nhưng không!

Ông đăng ký đi thanh niên xung phong rồi ngược rừng lên miền Tây Thanh Hóa, tham gia mở con đường nối huyện Hồi Xuân với xã Tén Tằn (huyện Mường Lát).

Anh giáo trẻ đã ở đội 42-12 tròn bốn năm và quãng thời gian ấy thực sự là những ngày “chẳng thế nào quên”. Ngày đó, anh giáo được phân công dạy học cho anh chị em thanh niên xung phong, dạy chữ cho trẻ em trong bản nên nghe nhiều chuyện, biết nhiều thứ.

Chuyện mà anh giáo biết nhiều nhất là sự khó khăn vất vả của người dân. Thứ mà anh biết nhiều nhất là tinh thần “mở đường thắng lợi” của những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi.

Sau này ông đã viết lại những ngày cùng đồng đội mở đường: “Xuýt nữa cả Xê 7 không tìm thấy một ai, nếu đỉnh đồi Km57+800m không tự hãm phanh lại khi đã tạo thành một vết nứt rời sâu khỏi đỉnh ba mươi thước.

Nếu sốt rét cứ liên miên như năm đầu tiên đến Cổng Trời chắc không đủ người đưa người đi bệnh viện cấp cứu chứ đừng nói đủ sức cho con đường đi tiếp. Cũng xuýt nữa Xê 6 và Xê 8 có một nghĩa trang liệt sĩ riêng ở Táo Ngoài, dưới chân dốc Năm Ôn”.

Đến tháng 8/2018, tôi gặp lại ông. Lần này ở trại viết do Nxb Quân đội mở. Ông lại khoe luôn: “Mình sẽ hoàn thành tập sách nói về những tháng năm cùng đội thanh niên xung phong đi mở đường Tén Tẳn.

Lần trước mình đã đọc cho ông nghe một đoạn ấy”. Nói rồi ông chợt trầm ngâm: “Bốn mươi năm đã trôi qua. Mình mắc nợ anh chị em thanh niên xung phong lâu quá”.

Và ông đã “trả món nợ 40 năm” một cách hài lòng. Trường ca “Hồi ức một con đường” được xuất bản. Ông đã viết: “Tôi chưng cất thịt da mình/ Chảy trên mặt giấy hiện thành ngày xưa/ Chữ nào còn khuất trong mưa/ Chữ nào trầm tích vọng chưa thành lời/ Chữ nào năm tháng đánh rơi/ Chữ nào đá lở sông trôi sấm rền/ Chữ nào không tuổi không tên/ Đồng đội ơi hãy nhìn lên bầu trời”.

Gần đây, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm lại gọi điện cho tôi, sau câu hỏi thăm tình hình sức khỏe, viết lách thì ông bảo: “Nhắn cho mình địa chỉ nhà nhé”. Tôi hỏi lại: “Bác tính đến chơi với em?”. Ông lại sang sảng: “Mình gửi tặng 2 tập sách mới in”.

Hai tập sách mới nhất của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Hai tập sách mới nhất của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Chỉ 3 ngày sau thì “quà” đến nhà tôi. Tôi vội mở ra và vô cùng kinh ngạc vì có những hai tập sách. Tập “Trường ca mạch đất hồn trống đồng” in bìa cứng, dày 600 trang ngồn ngộn những câu thơ chất chứa lịch sử.

Như lời giới thiệu in đầu tập của Nhà xuất bản Thanh Hóa: ““Trường ca Mạch đất hồn trống đồng” đã thể hiện được tất cả những đòi hỏi khắt khe bằng ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ giàu khái quát, giàu sức gợi, giàu sức biểu cảm.

Xứ Thanh từ thuở khai thiên lập địa với nền văn minh Núi Đọ, nền văn minh trống đồng Đông Sơn hiện lên lung linh, đẹp đẽ, sinh động. Dòng chảy lịch sử từ thuở Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi... hiện lên cuồn cuộn mãnh liệt”.

Đáng ngạc nhiên nữa là tập sách thứ 2 lại là một tập phê bình tiểu luận do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Sách cũng khá “nặng” với 509 trang in và với 56 bài viết sâu sắc.

Tập sách được chia thành 2 phần. Phần 1 mang tên: “Đi tìm năng lượng chữ” tập hợp các bài viết về những nhà thơ, nhà văn mà ông trân quý họ về tài văn như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Bình Phương, Từ Nguyên Tĩn, Nguyễn Nguyên Bảy, Đặng Bá Tiến, Văn Đắc, Nguyễn Ngọc Phú, Mai Hương, Ngô Xuân Tiến… Phần 2 - “Tiểu luận” - là những bài viết dạng lý luận văn học.

Ông đã đề cập đến việc giảng dạy “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn đến “Thơ Thanh Hóa đầu thế kỷ 21”, “Tín hiệu vui từ một cây bút trẻ”, “Còn Tổ quốc Việt Nam, văn học còn phải viết về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng và về người lính”...

Trở về từ Mường Lát, người giáo viên ấy tiếp tục đứng lớp cho đến khi nghỉ hưu và vẫn giữ nguyên sự hăng hái của mình cùng câu chuyện mở đường dường như còn “nóng hổi” trong ký ức.

Quá khứ luôn cho ta niềm tự hào nhưng quá khứ cũng là lời nhắc nhở chân thành nhất, hữu ích nhất, như những câu thơ ông viết: “Tim mình xé đặt lên môi/Âm âm rừng vọng những lời thẳm sâu/Lời này nhói một nỗi đau/Lời này thiêu đốt một màu tóc xanh/Lời này úa lá trên cành/Lời này nắng/rụng xuống vành trăng non Lời này muối xát hoàng hôn/Lời này buốt tiếng gọi hồn gần xa…” (Bài thơ “Đối thoại ở rừng”).

Với gần 30 đầu sách lại cũng chừng ấy giải thưởng văn học từ cấp Trung ương đến địa phương, tôi tin rằng: Một khi trái tim thi nhân còn nức nở, đau đáu, trăn trở thì sẽ còn những thành công như chính nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã mong muốn: “Nếu cây lá đã lìa cành/ Chữ xin dâng nhựa cho xanh vào chồi/ Nếu mây còn ám chân trời/ Chữ xin làm nắng về soi cổng làng” (Bài thơ “Xin về nhận lại”).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.