Ý tưởng bất ngờ từ người bạn cũ
Một buổi tối năm 2014, James lịch lãm với chiếc sơ mi sáng màu để ăn tối cùng một người bạn cũ. Ngồi vào bàn, anh bất ngờ nhìn thấy bạn mình đang đeo một chiếc kính to bản rất quái gở và kì quặc. Đó là một chiếc kính trượt tuyết chuyên dụng, hoàn toàn không phù hợp với không gian sang trọng của một nhà hàng.
Người bạn James giải thích rằng chiếc kính giúp anh ta bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh từ màn hình điện tử như Tivi, điện thoại, máy tính… là nguyên nhân làm xáo trộn nồng độ melatonin trong cơ thể gây ra chứng mất ngủ của rất nhiều người hiện đại.
James bắt đầu nhìn thật kỹ vào chiếc kính và cảm thấy một luồng điện chạy dọc cơ thể: “Tại sao không? Một chiếc kính giúp ngủ ngon”. Thế là ý tưởng kinh doanh từ chính thứ vừa dày vừa xấu xí trên mặt người bạn của mình đã đến với James Swanwick một cách đầy bất ngờ như thế.
Thử nghiệm và sản xuất
Suốt 1 tuần sau đó, James luôn đeo chiếc kính xấu xí kia một giờ trước khi ngủ để kiểm nghiệm công dụng của nó. Kết quả thu được rất khả quan khi anh ngủ ngon và sâu hơn hẳn trước đây.
“Hiệu quả mà chiếc kính xấu xí này mang lại là rất rõ ràng. Như vậy, chỉ cần được thiết kế đẹp hơn, nó chắc chắn sẽ được khách hàng đón nhận” – James nghĩ trong sự hào hứng lớn.
Anh nhờ em trai của mình, Tristian, vốn từng làm phóng viên điều tra, tìm kiếm người chế tạo sản phẩm. Chẳng bao lâu sau, họ tìm được một nhà sản xuất người Trung Quốc khá uy tín và mát tay.
Vậy là hai anh em quyết định hợp tác. James sẽ đảm nhiệm việc kinh doanh và marketing cho sản phẩm, trong khi Tristian tập trung vào việc sản xuất.
Họ bắt đầu thử nghiệm các mẫu kính chống ánh sáng xanh khác nhau. Một số rất tốt nhưng kiểu dáng quá thô kệch, số khác rất đẹp nhưng chức năng chống sáng lại không như ý. Loay hoay không biết chọn lựa thế nào, cuối cùng James mang tất cả cho những người bạn của mình dùng thử.
Cách này tỏ rõ hiệu quả khi hầu hết các phản hồi tốt đều dành cho 1 sản phẩm duy nhất. Và đó cũng là mẫu kính được sản xuất và bày bán trên thị trường hiện nay với tên gọi Swannies.
Niềm vui ngắn ngủi
Giải quyết xong khâu sản xuất, James bắt tay vào tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh lập tức giới thiệu chiếc kính chống ánh sáng xanh giúp ngủ ngon của mình lên trang bán hàng Amazon nổi tiếng đúng vào dịp giảm giá Black Friday. Ngày thứ nhất, họ bán được 4 chiếc với giá 89 USD/chiếc, một khởi đầu khiêm tốn. Những ngày tiếp theo, con số tăng dần lên 5, 6 rồi 7 chiếc… Anh em James ăn mừng khi 300 chiếc kính Swannies đã được bán hết chỉ sau 1 tháng.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngay khi việc kinh doanh vừa chớm nở, trở ngại đầu tiên đã xuất hiện. Đầu năm 2015, đối tác sản xuất Trung Quốc bất ngờ…nghỉ Tết âm lịch đến gần 1 tháng khiến James hoàn toàn bị động về nguồn hàng hóa.
Không thể tung thêm hàng ra thị trường, James đành ngồi nghiên cứu các chiến lược bán hàng trên Amazon. Anh quyết định “ủ mưu” chờ đợi cho đợt hàng tiếp theo sẽ công phá thị trường. Thế nhưng, khi đợt hàng mới được xuất xưởng, mọi thứ lại không được như nhà sáng lập Sleep Swanwick kỳ vọng.
Các lượt đặt hàng không còn dịp lễ cũng dần thưa thớt… Những “chiêu trò” kinh doanh mà anh học lỏm được trên các trang mạng đa phần đã lỗi thời nên cũng không giúp ích được nhiều. “Tôi cay đắng nhận ra việc kinh doanh vốn đang ngon trớn của mình nay đã bị mất đà một cách chóng vánh” - Anh thừa nhận.
Thành công nhờ không ngừng nỗ lực
Trước nguy cơ thất bại, James không nao núng. Anh lao vào học hỏi và thử nhiều cách khác nhau để vượt qua khó khăn. James xác định trước tiên cần phải làm cho khách hàng hiểu và nhớ về sản phẩm. Anh bắt đầu xây dựng thương hiệu một cách bài bản hơn.
Đầu tiên, James tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu nó đến với công chúng. Anh tìm đến các chương trình phát thanh và truyền hình về sức khỏe để chia sẻ về tác hại của ánh sáng xanh cũng như tác dụng của Swannies. Sự xuất hiện dày đặc cùng những chia sẻ bổ ích của anh dần thu hút được sự chú ý của khách hàng. Họ bắt đầu dành sự quan tâm đến với chiếc kính mà anh tạo ra.
Những chiếc kính Swannies chống ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh, tivi giúp người dùng ngủ ngon… |
James cũng học cách tận dụng các mạng xã hội như Snapchat để giới thiệu về sản phẩm. Anh kết bạn với khách hàng, khuyến khích họ chia sẻ hình ảnh và công dụng của chiếc kính lên mạng xã hội. Cứ như thế, số lượng người mua và chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội dần tăng lên. Việc kinh doanh nhờ đó cũng dần ổn định.
Không dừng lại ở đó, James bắt đầu củng cố khâu chăm sóc khách hàng. “Ai cũng sẽ thích được khuyến mãi, giảm giá hay các món hàng tặng kèm… Đáp ứng được những nhu cầu nho nhỏ này, khách hàng mới chủ động tìm đến với bạn” – Nhà sáng lập Sleep Swanwick đúc kết.
Khi mọi thứ đi vào ổn định, James tiếp tục phát triển các sản phẩm mới mẻ như đèn ngủ, mặt nạ ngủ, và dòng mắt kính cao cấp… Qua đó đa dạng hóa sản phẩm và phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Kết quả là chỉ trong vòng 1 năm khởi nghiệp, James cùng chiếc kính Swannies đã thu về hơn 1 triệu USD.
Thành công của James Swanwick đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên toàn thế giới. Hiện tại ngoài việc kinh doanh, anh còn tham gia diễn thuyết và tổ chức dự án cộng đồng “The 30-Day No Alcohol Challenge” (30 ngày cai rượu). Cuộc sống của James hoàn toàn bước sang một trang mới, tất cả chỉ bắt đầu từ một… chiếc kính mát.