Học sinh Hà Giang được học với giáo viên Hà Nội
Lần đầu tiên, hình thức lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến được ngành GD-ĐT Hà Giang tổ chức tại huyện biên giới Mèo Vạc kết nối với điểm cầu tại Hà Nội. Lớp học này vẫn có một giáo viên đứng lớp để hỗ trợ kết nối học sinh với giáo viên Tiếng Anh ở Hà Nội, đồng thời quan sát, đánh giá kết quả của học sinh.
Ông Bùi Văn Thư - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc (Hà Giang) - cho biết: Năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 2.609 học sinh với 76 lớp 3. Tuy nhiên, hiện Mèo Vạc chỉ có 25 giáo viên dạy Tiếng Anh, trong đó duy nhất giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học.
Trước tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, huyện Mèo Vạc đã lên kế hoạch bố trí 1 - 2 giáo viên dạy trực tuyến đến 76 điểm cầu cùng thời điểm. Tuy nhiên, phương án này bộc lộ một số hạn chế. Do vậy, Mèo Vạc đã đề nghị Trường Marie Curie, Hà Nội để hỗ trợ dạy Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 trên toàn huyện.
Từ ngày 9/9, tất cả trường học tại Mèo Vạc đồng loạt tổ chức buổi học tiếng Anh đầu tiên cho học sinh khối lớp 3. Các trường tổ chức dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp, mỗi lớp có 4 tiết/tuần. Trong đó, 3 tiết dạy trực tuyến sẽ do thầy cô Trường Marie Curie hỗ trợ từ điểm cầu Hà Nội, tiết còn lại do các thầy cô huyện Mèo Vạc thực hiện.
Thầy Nguyễn Văn Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Mèo Vạc - cho biết: Nhà trường chỉ có 1 cô giáo dạy Tiếng Anh và cũng là giáo viên duy nhất của huyện, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Khi nhận được sự giúp đỡ của lãnh đạo Trường Marie Curie, những khó khăn khi thực hiện dạy Tiếng Anh trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được hóa giải.
Em Hoàng Thu Chúc - học sinh lớp 3A4, Trường Tiểu học Thị trấn Mèo Vạc - tâm sự: Em thấy rất vui vì đây là môn học yêu thích. Cô giáo ở Hà Nội dạy dễ hiểu. Buổi học đầu tiên, em đã nắm được kiến thức, được làm quen và giới thiệu bản thân với cô giáo. Các buổi học sau, cô dạy em cách chào hỏi, mô tả về thầy cô, mái trường và nhiều điều hay khác.
Trước thềm năm học mới, Trường PTDTBT Tiểu học xã Pả Vi được huyện Mèo Vạc đầu tư một phòng học trực tuyến, trang bị đầy đủ tivi máy tính, webcam, micro, đủ điều kiện để học trực tuyến. Nhà trường đã đầu tư thêm cơ sở vật chất, đường truyền mạng để đảm bảo việc kết nối được thông suốt.
Buổi đầu tiên, theo cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thu Trang, học sinh Trường Pả Vi được tiếp cận làm quen với tiếng Anh cơ bản thông qua kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội. Với sự trẻ trung năng động linh hoạt, các thầy cô đã mang đến không khí vui tươi thu hút sự chú ý, hứng thú học tập của các em.
Giáo viên hứng thú với các tiết dạy. |
Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, cho biết: Sau khi nhận được đề nghị của ngành GD-ĐT huyện Mèo Vạc, nhà trường đã tuyển được 20 giáo viên chuyên trách dạy Tiếng Anh phục vụ riêng cho dự án này. Lương của 20 giáo viên này do Trường Marie Curie chi trả như giáo viên dạy Tiếng Anh hiện tại của trường, tương đương với 1,7 tỷ đồng mỗi năm.
Công tác chuẩn bị tại điểm cầu Hà Nội được thực hiện chu đáo, từ phòng học, thiết bị máy móc, micro, tivi, máy tính, loa, đường truyền Internet. Các khâu khác cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng như tập huấn, liên hệ các trường lập thời khóa biểu, kiểm tra đường truyền, chuyển sách giáo khoa. Từ ngày 9/9, những tiết dạy đầu tiên được thực hiện khá suôn sẻ.
Đảm nhận dạy tại Trường Tiểu học xã Lũng Pù, cô Phạm Huyền Mai thừa nhận dạy trực tuyến khó hơn trực tiếp bởi liên quan tới tín hiệu đường truyền, hạn chế tương tác. Do đó, các thầy cô phải xây dựng bài giảng hấp dẫn, có phương pháp truyền đạt phù hợp để lôi cuốn học trò.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Vừa qua, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã dành 4 ngày lên Hà Giang, trực tiếp tới một số trường xa nhất của Mèo Vạc để dự giờ một số tiết học Tiếng Anh trực tuyến do Trường Marie Curie hỗ trợ giảng dạy.
Qua dự giờ, trực tiếp trao đổi với thầy trò ở cả 2 điểm cầu, học sinh Mèo Vạc chia sẻ cảm xúc vui mừng, may mắn được học những giáo viên có trình độ, chuyên môn cao, tâm huyết với công việc. Còn giáo viên ở điểm cầu Hà Nội đều bày tỏ mong muốn được gắn bó, giúp đỡ học sinh Mèo Vạc, mong sẽ có cơ hội được giao lưu trực tiếp với thầy trò ở đây.
Ông Tài cho biết thêm, việc Trường Marie Curie hỗ trợ ngành GD-ĐT Mèo Vạc là một nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Mong rằng cách làm này sẽ được lan tỏa đến các nhà trường, địa phương khác trong cả nước.
Cô Nguyễn Hồng Nhung - giáo viên đảm nhận dạy tại Trường Tiểu học xã Khâu Vai - cho biết, không khí buổi học hào hứng, các em nhiệt tình tham gia. Do học sinh lần đầu tiếp cận với tiếng Anh nên cô giáo phải hướng dẫn kỹ càng, nhắc lại các câu khẩu lệnh đơn giản nhiều lần, thật chậm để các em bắt kịp, hào hứng theo dõi bài học.