Chạm đến mạch cảm xúc vốn có
“Trở lại mái trường xưa” do tác giả Phạm Xuân Hải sáng tác là một trong những tác phẩm đạt giải cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô, mái trường” năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Do ảnh hưởng dịch bệnh, không thể từ Nghệ An ra Hà Nội dự lễ trao giải, nhưng biết tin tác phẩm của mình lọt vào danh sách đạt giải, anh Hải chia sẻ mình rất vui mừng, chờ đón.
Anh Phạm Xuân Hải hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Anh cho hay, dù giảng dạy là công việc chính, nhưng anh vẫn duy trì việc sáng tác của mình. Anh tham gia nhiều cuộc thi sáng tác âm nhạc trong tỉnh và cả nước. Gần đây là giải Nhất (không có giải đặc biệt) cuộc thi sáng tác ca khúc về giáo dục nghề nghiệp năm 2020 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH tổ chức. Anh cũng có nhiều ca khúc gắn liền với mảnh đất xứ Nghệ, về Bác Hồ hay các vấn đề thời sự như biển đảo, tuyến đầu phòng chống dịch.
Nhưng riêng sáng tác ca khúc về thầy cô, mái trường đem lại cho Phạm Xuân Hải nhiều cảm xúc đặc biệt ngay từ biết đến chủ đề cuộc thi.
“Tôi thấy chạm vào mạch cảm xúc của mình, bởi đơn giản ai cũng từng trải qua tuổi học sinh, từng lớn lên dưới mái trường xưa, từng được thầy cô dạy dỗ, dìu dắt thành người. Đó là những ký ức đẹp đẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Mặt khác, bản thân hiện là giảng viên, theo đuổi, gắn bó với nghề giáo. Vì vậy, sáng tác ca khúc Trở lại mái trường xưa với tôi chính là những cảm xúc, hoài niệm, ký ức, sự tri ân dồn nén mà mình may mắn có khả năng chuyển tải, đẩy ra thành ca từ, giai điệu”, anh Hải chia sẻ.
Mở đầu bài hát, là giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết, với ca từ gợi hình ảnh cậu học trò quay về mái trường xưa, với bao kỷ niệm, nỗi nhớ chợt ùa về. Mái trường vẫn vậy, với lớp học, với cây phượng thân quen, sân trường trưa vắng, nhưng vừa quen vừa lạ, có chút gì đó bùi ngùi, lạc lõng tìm kiếm “tiếng ve đâu rồi”.
Đó là tìm lại chính mình của hàng chục năm về trước với bạn bè, với thầy cô mái tóc bạc phai theo năm tháng. Phần sau của bài hát có tiết tấu, nhạc điệu vui hơn. Nơi đây, cậu học tò tìm lại câu hát cho cánh diều bay xa, trở về tổ ấm của muôn ngàn cách chim bay xa. Và như một lời nhắc nhở chính mình, và cho những ai từng qua tuổi học trò tri ân, biết ơn thầy cô đã dìu dắt trưởng thành.
Theo anh Phạm Xuân Hải, ca khúc được sáng tác cho tốp nữ và đơn nam. Trong đó vừa có âm điệu dày dặn, trầm ấm của giọng nam vừa có mượt mà, nhẹ nhàng, tha thiết của bè nữ.
“Cuộc thi thu hút hàng trăm tác giả gửi tác phẩm dự thi, bản thân tôi cũng chờ đợi kết quả suốt thời gian qua. Đến giờ, tuy chưa biết mình đạt giải gì, nhưng tác phẩm nằm trong danh sách đạt giải, tôi thấy những cảm xúc, ca từ, âm nhạc của mình đã chạm đến người nghe và được ban giám khảo là những người có chuyên môn đánh giá, công nhận”, anh Phạm Xuân Hải nói.
Theo nghề giáo từ ký ức với thầy cô
Phạm Xuân Hải sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, trong đó, cha của anh cũng từng là giảng viên âm nhạc. Dù vậy, ban đầu Phạm Xuân Hải dự định tách ra khỏi nền tảng gia đình và thi nghành y. Nhưng ý muốn “đi ngược” của tuổi trẻ, với lĩnh vực không có đam mê thực sự trở nên khó khăn, thiếu động lực để theo đuổi. “Trong khi đàn, hát với tôi lại rất dễ dàng từ nhỏ, học nhanh, nhớ nhanh. Tôi nghĩ lại tại sao mình cứ theo đuối cái khó khăn, xa vời thay vì đi theo năng khiếu bản thân. Vậy là trong khi bạn bè thi vào ĐH, tôi học 3 năm trung cấp văn hóa nghệ thuật, sau đó thi tiếp đại học vào Nhạc viện Quốc gia Hà Nội – nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – chuyên ngành sáng tác”, anh Phạm Xuân Hải kể.
Trong thời gian học nghề, cậu sinh viên trẻ xứ Nghệ mới thấm được cái vất vả, gian nan của người theo đuổi con đường âm nhạc. Nhưng cũng từ những năm tháng đó, đã cho Phạm Xuân Hải nhiều trải nghiệm, vốn sống, hiểu biết... Đặc biệt, các thầy cô giáo, giảng viên, nhạc sỹ... đã giúp đỡ Hải rất nhiều. Có người cô, người thầy coi tôi như con cái trong nhà, không chỉ dạy nghề, truyền nghề mà còn hỗ trợ, dạy bảo nhiều điều trong cuộc sống.
Cũng trong thời gian đang là sinh viên Nhạc viện QG Hà Nội, Phạm Xuân Hải đã đứng trợ giảng cho thầy cô của mình. Từ sự truyền lửa của thầy cô, cùng với trải nghiệm của chính mình, dần dần, nghề giáo như một cái duyên tự nhiên đến. Sau khi tốt nghiệp, anh quyết định lựa chọn theo con đường sư phạm, trở thành giảng viên âm nhạc.
Năm 2003, Phạm Xuân Hải về công tác tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An theo diện thu hút của tỉnh. Anh lựa chọn quay về quê hương, cũng là để cống hiến và tri ân nơi đầu tiên đưa mình bước chân vào nghệ thuật chuyên nghiệp, bài bản.
Hiện, song song với công tác tại phòng đào tạo và giảng dạy âm nhạc ở trường, anh vẫn thường xuyên sáng tác ca khúc, khí nhạc, hòa âm phối khí. “Nhiều bạn trẻ hiện nay đăng ký vào học ở trường không phải như một nghề, mà để trau dồi năng khiếu bản thân, thêm nhiều cảm xúc, cảm nhận. Nghệ thuật là một ngành nghề đặc biệt, mà người theo đuổi không chỉ coi nó là một nghề duy nhất. Thay vào đó, giúp cho cuộc sống, tâm hồn phong phú, tốt đẹp hơn”, anh Phạm Xuân Hải nói.
Đó cũng là lý do anh duy trì việc sáng tác của mình, dù không thường xuyên, và không phải bất cứ lúc nào cũng “sản xuất” được, mà để tôn trọng, lắng nghe, và để mạch cảm xúc của mình được lên tiếng.