(GD&TĐ) - Đầu năm 2011, một số lô hàng tôm Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Nhật tiếp tục bị các cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện có hàm lượng hóa chất Trifluralin vượt mức cho phép. Do đó, nhiều doanh nghiệp (DN) XK tôm Việt Nam có khả năng bị kiểm tra bắt buộc 100% các lô hàng tôm đông lạnh trước khi xuất khấu sang Nhật.
Năm 2010, xuất khẩu tôm Việt Nam đã gặp “sóng gió” do tôm Việt Nam XK sang Nhật bị hệ thống cảnh báo nhập khẩu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phát hiện có chứa dư lượng Trifluralin cao hơn mức giới hạn cho phép (tháng 9,10). Tiếp tục trong tháng 1/2011, theo ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), lại có 5-6 lô hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật bị các cơ quan chức năng nước này phản ánh do phát hiện các lô tôm có hàm lượng Trifluralin vượt mức theo quy định của thị trường này.
Tom Viet Nam tiep tuc bi co quan chuc nang Nhat Ban canh bao nhiem Trifluralin |
Để tránh ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét khả năng kiểm tra bắt buộc 100% đối với các doanh nghiệp vi phạm từ lần hai trở lên để kiểm soát vi phạm. Vì vậy, có khả năng nhiều doanh nghiệp XK tôm sẽ bị kiểm tra 100% lô hàng tôm đông lạnh trước khi XK sang Nhật.
Theo đại diện các DN XK tôm, sự việc không phải bây giờ mới xảy ra mà nó đã diễn ra từ năm 2009, bởi thời điểm này Nhật Bản đã phát hiện một số lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm Trifluralin (một loại thuốc diệt cỏ dùng để diệt nấm, rong, tảo trong các ao nuôi tôm, cá) vượt mức cho phép. Khi đó, VASEP đã có công văn phản ánh lên Bộ NN&PTNT và ngày 02/4/2010 Bộ này đã có thông tư số 20 về việc cấm sử dụng chất này trong sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản. Thế nhưng đây lại là một chất diệt cỏ được Bộ NN& PTNT cho phép sử dụng và lưu hành trong lĩnh vực nông nghiệp.
Và hậu quả là Nhật Bản đã phát hiện hàm lượng Trifluralin vượt mức trong cá basa, tôm và đã có lệnh kiểm soát 100% các lô hàng thủy sản nhập khẩu vào từ Việt Nam vào cuối tháng 10 năm ngoái./.
Thành Công