Triệu voi ký sự

Triệu voi ký sự

Kỳ  2.Chuyện trên đường tới Luông Pha Băng:

1-Nhà văn Thi Đa Chăn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào cho chúng tôi biết,ngoài Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, thì Luông Pha Băng là một nơi rất cần phải đến.

f
Núi đôi -kỳ thú thiên nhiên của  bạn

Luông Pha Băng là một thị xã ở vùng Thượng Lào-là một cung triều-di sản văn hóa thế giới, gặp lại một quá khứ nhưng không hề rêu phong trong lòng mỗi người. Chặng đường đến Luông Pha Băng dài 350km, trên đường đi có mấy điểm dừng chân.  Nhà văn Chăn Tha Phon, kiêm lái xe, quay phim, chụp ảnh cùng với nữ nhà văn  Su likhon Phôm Mạ Vông  Sả Phải ( tên Việt Nam là Ngọc, chị nói tiếng Việt khá tốt vì thời phổ thông, chị học tại Ngọc Lạc, Thanh Hóa ). Chị cùng đi với đoàn nữ Nhà văn Việt Nam  trên lộ trình dài hơn 300km quanh co-nhiều khúc của nguy hiểm, qua những đỉnh núi mờ mịt sương giăng.

Cách Viêng Chăn hơn 40km, chúng tôi dừng ở núi Phu Phạ. Có rất nhiều xe dừng ở đây để sang bên trái đường làm lễ thắp hương cho một ngôi đền thờ nhà sư Phạ Đèng-người có công lớn trong việc mở cõi khai sinh ra các miền đất nơi đây. Ngôi đền rất thiêng-nhà văn Chăn Tha Phon bảo vậy. Theo kinh nghiệm của anh, nếu đi qua ngôi đền mà không dừng lại thì anh không yên tâm. Cả lộ trình dài mấy trăm cây số, nhà sư sẽ phù hộ, nếu “có lời” cầu xin ông. 

Bảng lảng sương khói hư ảo
Bảng lảng sương khói hư ảo

Chẳng biết có đúng như vậy không mà khi chúng tôi đi lên tới tận Luông Pha Băng và trở về Viêng Chăn, đều an toàn và rất may mắn. Trên đường về, nhà văn Chăn Tha Phon lại bấm ba hồi còi chào nhà sư được thờ trong ngôi đền ấy.

Tất cả các xe qua ngôi đền đều chào bằng ba hồi còi nếu như không dừng lại được. Người Lào thường tin vào các truyền thuyết và sống bằng văn hóa tâm linh. Đó mới chỉ là một chi tiết đáng nói trong lộ trình dài tới cố đô. Khi xe qua những con đèo quanh co và đường cua tay áo hiểm trở, nhà văn Chăn Tha Phon lại bấm ba hồi còi khi tới gần một ngôi mộ xây ven đường. Đây là địa danh của bản có tên là Cìu May Lo, cách Viêng Chăn 295 km. Anh cho biết, đây là một ngôi mộ liệt sĩ vô danh, bên trong có rất nhiều hài cốt của bộ đội Việt Nam và Lào.

Sau chiến tranh, hài cốt của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam không rõ  tên tuổi, được bà con thành kính gom lại, xây bên đường cho dễ nhận biết, tiện cho việc làm nghi thức tâm linh. Và, cũng để cho các liệt sĩ bớt trống trải, hoang lạnh khi hàng ngày vẫn có những đoàn xe vẫy chào bên đường. Không biết, trong số những hài cốt của các liệt sĩ tình nguyện Việt Nam ấy, đã theo lời nguyền thiêng của bà con nơi đây, báo mộng để người thân tìm về hương khói không?

Nhà thơ Chu Thị Linh Quang, có người yêu là bộ đội hy sinh ở Thượng Lào, ngay khu vực này đã giật mình khi biết ngôi mộ vô danh. Chị trở thành con người khác, khi biết rằng trong ngôi mộ ấy, có những chiến sĩ Việt Nam vĩnh viễn nằm lại ven con đường quốc lộ, làm bạn với cỏ cây và mây trắng xứ Lào, trong tình thương yêu đùm bọc của bà con vùng Thượng Lào.

Qua câu chuyện, chúng tôi biết, chị có người yêu làm nghĩa vụ quân sự bên Thượng Lào,hy sinh khi giúp nhân dân Lào giải phóng quê hương. Chị nhận được tin anh mất vào mọt ngày mưa tháng 6. Và từ đó, trong thơ chị, có cả bầu trời mưa gió. Cho đến bây giờ, ngoài 60 tuổi, chị vẫn ám ảnh bầu trời mưa gió năm xưa, và không thể đến được cùng ai trong lộ trình hạnh phúc cuộc đời.. Trong lòng chị mãi mãi có một hình bóng yêu thương. Hàng đêm, khi đối diện với chính mình, những lúc đau khổ, cô đơn nhất, hình bóng  người chiến sĩ năm xưa lại đội gió mưa về cùng chị. Khi chị đọc bài thơ này ở Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, mọi người đã gần như lặng đi khi bài thơ chị viết cho anh nhớ về ngày mưa gió năm nào anh xuất hiện lần cuối trong đời chị khi chị ầm chiếc giấy báo từ trên tay.

Từ  đỉnh cao, chúng tôi nhìn xuống vực sâu qua những khúc cua tay áo, thấy rừng xanh chen lẫn những khoảng đồi trơ  trọi. Những túp nhà lúp xúp ven rừng. Thỉnh thoảng có chiếc xe từ Xiêng Khoảng về, vút qua rồi biến mất sau những lùm cây. Hình như còi xe không hề  phát huy tác dụng  tại đất nước này. Trên con đường dài như vậy, và trong cả thành phố  Viêng Chăn cũng thế, không hề có tiếng còi xe.

Tuy nhiên, con đường hơn 300km đi Luông Pha Băng  đầy dốc cao quanh co nguy hiểm mà không có gương cầu phản chiếu báo cho xe vào khúc cua nguy hiểm và còi xe không mấy khi sử dụng thì cũng là chuyện lạ. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới nhưng tai nạn thương tâm. Trên đường, chúng tôi chứng kiến một chiếc xe tải bị rơi xuống vực. Cảnh sát giao thông đã xuất hiện kịp thời để cứu hộ chiếc xe xấu số lên, nhưng không biết bằng cách nào, bởi chiếc xe phải lăn nhiều vòng từ mặt đường xuống vực sâu.

Chúng tôi  đi tới bản Phả Nuồm, chợt thấy từ xa, hai ngọn núi nhọn hoắt nhô lên, như ngực người phụ  nữ, chợt nhớ tới núi đôi ở Hà Giang . Đi một chút nữa, lại thấy hình núi như một người đàn ông mở miệng ngơ ngác ngửa mặt nhìn trời. Chòm mây trắng bay qua, như thể người đàn ông đang nhả khói thuốc vậy. Rồi lại thấy tiếp hình một đoàn trẻ em dắt tay nhau đi về phía bầu trời...Thiên nhiên kỳ thú lạ lùng. Vẻ đẹp ấy chúng tôi đã kịp ghi lại bằng chiếc máy ảnh để mang về so sánh với kỳ thú thiên nhiên Việt Nam. Mỗi huyền tích đều là một câu chuyện về nhân sinh, về kiếp nhân quả không bao giờ dứt. Người Lào rất tin vào triết lý của đạo Phật, vì vậy, trong lòng họ bao giờ tình thương yêu và nhân đạo cũng đặt lên trên hết.

2-Cách Viêng Chăn 129km, giữa hai bên núi đá, con đường hun hút lại trải dài trước mặt, hai núi đá ( Phạ Hom) là nơi diễn ra cuộc tranh chấp ác liệt của bộ  đội Việt Nam, Lào với Mỹ để chiếm giữ vị  trí trọng yếu này. Nơi đây có vị trí  đắc địa  trong con đường huyết mạch để chiếm giữ Thượng Lào và Viêng Chăn trong những tháng năm chống Mỹ.  Con đường huyết mạch số 13 này có thể ví như con đường Trường Sơn của ta trong những tháng năm chiến tranh, với chiều dài 350km, do Việt Nam giúp đỡ nước bạn sau chiến tranh. 

Trong chiến tranh,  quân của Phỉ Vàng Pao cùng với Mỹ  đã toan chiếm giữ con đường vốn rất hiểm trở và trọng yếu về chiến lược quân sự này. Nếu chiếm giữ được con đường huyết mạch này, sẽ chiếm phần thắng trong tay.Hai núi đá ( Phạ Đon) tại km 129 giờ yên bình với bản làng hoang vắng và con suối yên ả chảy bên rừng xanh như hôm nay, cách đây hơn 30 năm là nơi ghi dấu cuộc giao tranh ác liệt và không ít quân tình nguyện Việt Nam cũng như bộ đội Lào đã ngã xuống tại nơi này.

Cái giá của chiến thắng, rất đắt. Chăn Tha Phon cho biết, anh rất ám ảnh bởi những địa danh như vậy.Là người chuyên viết về lịch sử, từng con đường và cảnh vật, di tích tới  Luông Pha Băng, anh đều không bỏ qua. Anh nói, sau chuyến đi này, anh sẽ viết tiểu thuyết về Việt Nam và Lào. Anh ấp ủ điều đó đã lâu, nhưng sau chuyến đi tiếp xúc cùng các nhà văn nữ Việt Nam, anh càng thôi thúc và quyết tâm biến dự định biến thành sự thật. Viết để trả món nợ ân nghĩa với Việt Nam. Viết để tỏ lòng ngưỡng mộ và yêu quý các bạn Việt.

Chợ ngã ba Pu Khun
Chợ ngã ba Pu Khun

Xe chúng tôi  dừng lại ngã ba Pu Khun –nơi gặp gỡ của ba con đường đi tỉnh Xiêng Khoảng-Luông Pha Băng và Viêng Chăn. Từ Viêng Chăn, rẽ phải sẽ đi Xiêng Khoảng, nơi có cánh đồng Chum nổi tiếng với những chiếc chum bằng đá đồ sộ từ mấy trăm năm trước. Rẽ trái đi Luông Pha Băng.  Thị trấn nhỏ Pu Khun nhỏ và hoang sơ, trầm mặc, lặng lẽ với những quán ăn nép ven đường đón khách. Giá cả hơi đắt. Khoảng 15.000 kip ( 1 kip bằng 2.3000 đồng Việt Nam) một bát phở gần giống phở Việt, nhưng độ ngon thì kém xa. Ai không thích ăn phở thì gọi xôi. Không có cơm.

Người Lào quen gọi xôi là cơm. Họ có thể ăn triền miên nhiều ngày mà không biết chán. Nhà văn Chăn Tha Phon, “thủy chung” độc nhất với món xôi và thịt rán trong suốt cuộc lộ trình. Anh không hề có ý định thay đổi món sở trường sở đoản của mình.  Hầu hết các món ăn trên đất Lào đều rất cay. Nhiều người Việt sang đây nếu không quen, sẽ phải bỏ dở bữa ăn, vì vậy chiêm nghiệm về món ăn cũng mất đi vẻ thú vị của nó.

Chồn, sóc bán la liệt ở ven đường
Chồn, sóc bán la liệt ở ven đường

Thị  trấn Pu Khun nép hai ven đường quốc lộ. Một bên bán các  đồ dùng sản xuất và nhu yếu phẩm. Một bên bán  đồ ăn sẵn và rau quả, cây trái-những thứ  họ trồng được và tìm kiếm trong rừng. Sóc bẫy  được có giá 30.000 kip/con, khoảng hơn 2kg. Thịt nướng bán la liệt bên hàng hoa quả, rau xanh. Tôi dừng xuống, nhận được lời mời thân thiện, không mua , chỉ  chạm hàng đến cũng nhận được nụ cười. Lá  cây, chuối rừng, rau dớn, ray su su, chuối rán, thịt rán...bán la liệt. Những người phụ nữ Pu Khun xúng xính trong váy áo dân tộc H’Mông, Dao... sặc sỡ, địu con trong cái nắng nóng chói chang để bán sản vật núi rừng và những thứ mình chăn nuôi, trồng được.

Các món nướng được đặc biệt ưu chuộng
Các món nướng được đặc biệt ưu chuộng

Tôi biết tại  Pu Khun, có những sản vật vô giá  được ghi vào  lòng người mà không được bày bán –đó là nụ cười và tấm lòng thân thiện-điều mà không phải ở nơi nào cũng có được.

3-Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nét chấm nhỏ trong lộ trình thân thiện trên con đường tới Luông Pha Băng. Cách Luông Pha Băng khoảng 25km, nhà văn Chăn Tha Phon cho biết bữa tối sẽ đến nhà bạn thân của anh. Anh cho biết, bạn đã chuẩn bị món cá  suối, và các món đặc sản Lào để chiêu  đãi đoàn nhà  văn Việt Nam. Tại Pu Khun, anh mua mộc nhĩ tươi, rau dớn, cà pháo xanh và những rau rừng mà chúng tôi không biết tên để mang về  nhà bạn.

Một điểm dừng chân trên đường tới Luông Pha Băng
Một điểm dừng chân trên đường tới Luông Pha Băng

Tối, trăng treo trên Luông Pha Băng. Chúng tôi nhấm nháp món  đặc sản của nấm tươi, của món cá rán nấu canh chua, của rau dớn rừng, của món cà  pháo nấu nhuyễn được rắc trên đó một lớp rau húng. Có vị đắng, nồng cay của rau rừng và  gia vị. Có cả vị ngọt ngào của tấm lòng người bạn Lào nơi dặm đường xa ngái. Chúng tôi nhấm nháp món ăn trong chiếc bàn ghế đơn sơ, giữa trăng treo và tiếng côn trùng rả rích. Ngày mai, gia đình sẽ tháo dỡ nhà cũ để làm nhà mới. Bề bộn ngổn ngang gỗ, còn thiếu thốn nhiều, miếng ngon con trẻ chưa biết đến, nhưng việc chuẩn bị bữa ăn cho các bạn Việt tươm tất mà giản dị, gần gũi ấm lòng như vậy quả là một cố gắng rất lớn.

Tôi biết gia đình anh bạn của Chăn Tha Phon còn nghèo nhưng sự  thịnh tình mến khách quả là hiếm có. Vì  hai ngày sau rời  Luông Pha Băng về Viêng Chăn, anh lại mời chúng tôi ghé qua vợ chồng  người bạn. Căn nhà đã bị tháo bỏ, trên nền cũ, đang hình thành một khuôn nhà mới. Bận rộn người làm  đến vậy mà gia đình vợ chồng người bạn vẫn pha cà phê chờ các bạn và đồ xôi để cho đoàn mang về. Nhà thơ Hoàng Việt Hằng đã vội vã chụp ảnh cho gia đình, để trước khi về Việt Nam, trao lại ảnh cho gia đình làm kỷ niệm.

Con đường tới Luông Pha Băng, và trở về Viêng Chăn, là con đường của thiên nhiên kỳ thú, với bát ngát mây trắng và non cao, của khúc cua nguy hiểm. Nhưng cũng là con đường để chúng ta chiêm nghiệm và  nhận biết chân giá trị của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc. Tôi nhận ra rằng, hoa lá  cỏ cây ở đây cũng biết hiền hậu và  ân tình như chính con người  Lào vậy.

Chu Thị Thơm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.